Trong lần khảo sát Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp quân ủy hôm 20/4 vừa qua, Tập Cận Bình thể hiện mong muốn xây dựng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) theo mô hình Liên Xô cũ với đội quân tinh nhuệ, hiện đại hóa và có năng lực tác chiến trên biển.
Ngoài ra, ông Tập cũng mong muốn, trước mô hình mới của quân đội các nước trên thế giới, quân đội Trung Quốc cần tích cực quán triệt phương châm tác chiến quân sự, nỗ lực xây dựng cơ cấu chỉ huy tác chiến liên hợp vững mạnh.
Bài viết trên tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 25/4 cho rằng, kế hoạch cải cách quân đội theo phương thức Tập Cận Bình bắt đầu đã thu được hiệu quả nhất định.
Ông Tập Cận Bình có tham vọng xây dựng quân đội Trung Quốc lớn mạnh và có tầm ảnh hưởng ngang hàng Mỹ trên thế giới. (Ảnh: China.com)
Tranh giành tầm ảnh hưởng với Mỹ
Cuộc cải cách quân đội do ông Tập khởi xướng đã biến 7 đại quân khu cũ thành 5 đại chiến khu, xóa bỏ 4 Tổng cục lớn của PLA để thay bằng 15 cơ quan mới với quyền lực nhỏ hơn, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy trung ương Trung Quốc, đứng đầu là Tập Cận Bình.
Wall Street Journal phân tích, ông Tập đã loại bỏ triệt để mắt xích quyền lực cũ, giành quyền chỉ huy cao nhất của đội quân thuộc hàng mạnh nhất thế giới này.
Mục tiêu cuối cùng trong cuộc cải cách quân đội của Tập Cận Bình chính là muốn biến PLA trở thành đội quân tác chiến liên hợp mạnh ngang hàng quân đội Mỹ.
Do đó, ông Tập cũng đã liên kết hệ thống các quân chủng lục quân, hải quân và không quân tạo thành một khối tác chiến để thể hiện ý đồ bành trướng quân sự của nước này.
Nếu ông Tập cải cách quân đội thành công, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự ở Trung Đông và châu Phi.
Điều này đồng nghĩa, Trung Quốc không chỉ có khả năng thách thức địa vị lãnh đạo quân sự của Mỹ ở châu Á mà còn có thế đưa quân đội tham chiến tại các khu vực khác.
Nhờ đó, quân đội Trung Quốc có thể tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo, trợ giúp chống khủng bố toàn cầu.
Đặc biệt, quân đội nước này còn tranh giành vị thế bằng sự hiện diện ở nước ngoài với danh nghĩa duy trì an ninh hàng hải, bảo vệ nguồn cung cấp tài nguyên và công dân Trung Quốc tại nước ngoài.
Tuy nhiên, điều khiến Mỹ và các nước đồng minh quan ngại nhất chính là khả năng Bắc Kinh có thể sử dụng vũ lực nếu xảy ra tranh chấp lợi ích với phương Tây.
Số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy quy mô quân số của PLA thay đổi qua các thời kỳ, dự kiến đến 2020 còn 2 triệu quân, thấp nhất trong lịch sử. (Ảnh: CSIS)
Bước đi mạo hiểm tại "sân nhà"
Trang Đa Chiều (Mỹ) cho hay, việc nhà lãnh đạo Trung Quốc thể hiện quyết tâm sẽ giành được bước đột phá trong kế hoạch cải cách quân đội trước năm 2020 là "một trong những mong muốn táo bạo và mạo hiểm chính trị nhất".
Tại Trung Quốc, công cuộc cải cách quân đội của ông Tập có thể sẽ đưa lại nhiều hệ quả không mong muốn.
Thứ nhất, kế hoạch cắt giảm 300.000 quân nhân sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến lợi ích "sát sườn" của nhiều bên liên quan.
Thứ hai, theo chuyên gia quân sự Trung Quốc, Đại tá về hưu Nhạc Cương, kế hoạch cải cách quân đội của ông Tập Cận Bình có nhiều điểm khác biệt với những người tiền nhiệm bởi sự phức tạp và triệt để hơn.
Nhưng ông này cũng không quên cảnh báo rằng, nếu thất bại, ông Tập sẽ mất đi sự tín nhiệm cấp dưới và hậu quả thật khó lường.
Vào tháng 11/2015, Báo Giải phóng quân (Trung Quốc) đã đăng bài khẳng định, nếu cải cách bất lợi, quân đội nước này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí ảnh hưởng đến sự ổn định của cả xã hội Trung Quốc.
Tuy nhiên, bài viết này đã bị xóa bỏ sau đó không lâu.