Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 của Tổng cục Thống kê, kinh tế quý I/2023 vẫn duy trì mức tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, tăng trưởng nhiều quốc gia suy thoái.
Tốc độ tăng GDP quý I/2023 đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Tăng trưởng GRDP của 63 tỉnh, thành trong quý 1/2023. Nguồn: TCTK.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.
Trong đó, một số địa phương có tốc độ tăng GRDP ở mức cao so với tốc độ tăng GDP như Hậu Giang tăng 12,67%; Bình Thuận tăng 9,86%; Hải Phòng tăng 9,65%; Khánh Hòa tăng 9,07%; Cà Mau tăng 9,05%; Ninh Bình tăng 8,45%; Tuyên Quang tăng 8,42%; Bắc Giang tăng 8,40%.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm có tốc độ tăng GRDP ở mức thấp và giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm: Bình Dương tăng 1,15%; TP. Hồ Chí Minh tăng 0,7%; Quảng Ngãi giảm 1,07%; Vĩnh Phúc giảm 2,47%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,75%; Quảng Nam giảm 10,88%; Bắc Ninh giảm 11,85%.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng GRDP quý I/2023 cao nhất, đạt 9,65% và xếp thứ 3 trong 63 tỉnh, thành (sau Hậu Giang và Bình Thuận); Đà Nẵng tăng 7,12%, đứng vị trí thứ 19/63 tỉnh, thành.
Cùng với đó, GRDP của Hà Nội tăng 5,8%, xếp thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ 32/63 tỉnh, thành. Đứng vị trí thứ 4 là Cần Thơ với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,02%, xếp thứ 43/63 địa phương. TP. HCM có tăng trưởng GRDP đạt 0,7%.