Tăng trưởng GDP tới 38% nhờ tìm ra "báu vật": Quốc gia nghèo vẫn lo lắng vì "sắp hết thời gian" trước khi thế giới tiến đến cột mốc quan trọng

Tất Đạt |

Bloomberg dẫn nguồn Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết rằng nền kinh tế Guyana sẽ tăng trưởng 38% trong năm nay khi khoản thu khổng lồ nhờ dầu mỏ đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho quốc gia Nam Mỹ này.

Tăng trưởng GDP tới 38% nhờ tìm ra báu vật: Quốc gia nghèo vẫn lo lắng vì sắp hết thời gian trước khi thế giới tiến đến cột mốc quan trọng - Ảnh 1.

Phát hiện “đổi đời”

Trong thập kỷ qua, Guyana đã tìm thấy một lượng lớn dầu khí dưới vùng biển ven bờ của nước này. Tới thời điểm hiện tại, Guyana tuyên bố nước này có trữ lượng khoảng 11 tỷ thùng.

Điều đó đưa Guyana vào top 20 quốc gia về tiềm năng dầu mỏ, ngang hàng với các nước như Na Uy, Brazil và Algeria. Các mỏ dầu được cho là quá nhiều so với dân số 800.000 người của Guyana. Một số dự báo cho thấy quốc gia này đã vượt qua Kuwait để trở thành nước sản xuất dầu thô bình quân đầu người lớn nhất thế giới.

Các mỏ dầu khổng lồ ngoài khơi được Exxon Mobil Corp khoan lần đầu tiên vào năm 2015 đã giúp nền kinh tế tăng gấp 4 lần quy mô trong 5 năm qua, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng được dự đoán sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Tăng trưởng GDP tới 38% nhờ tìm ra báu vật: Quốc gia nghèo vẫn lo lắng vì sắp hết thời gian trước khi thế giới tiến đến cột mốc quan trọng - Ảnh 2.

IMF cho biết trong một báo cáo: “Triển vọng tăng trưởng trung hạn đang tốt hơn bao giờ hết. Sản lượng dầu sẽ tiếp tục mở rộng nhanh chóng khi 3 mỏ mới được phê duyệt sẽ đi vào hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 2024-27 và mỏ thứ 6 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2028”.

Được biết, Guyana - quốc gia nói tiếng Anh duy nhất ở Nam Mỹ - đã thông qua luật thành lập quỹ đầu tư quốc gia và đang tăng cường chi tiêu cho giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, mọi thứ dường như không hoàn toàn suôn sẻ. Tổng thống Guyana Irfaan Ali thừa nhận "thời gian không đứng về phía chúng tôi" khi quốc gia Nam Mỹ này đang cố gắng tận dụng tối đa nguồn tài nguyên dầu mỏ mới có được trước khi quá muộn.

Là quốc gia nhỏ bé giáp Venezuela, Brazil và Suriname ở góc đông bắc Nam Mỹ, Guyana hiện đang tự hào có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Nhưng những khám phá về dầu mỏ xuất hiện giữa lúc thế giới đang cố gắng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Theo Thỏa thuận Paris 2015 về khí hậu, các quốc gia đã cam kết giảm lượng khí thải nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là cố gắng cắt giảm sử dụng dầu mỏ.

Trở ngại đối với Guyana

Trả lời BBC từ thủ đô Georgetown, Tổng thống Ali nói "thời gian không đứng về phía chúng tôi" bởi thế giới đang nỗ lực tiến tới mục tiêu năm 2050. Dù vậy, ông tuyên bố ngay cả khi thế giới đạt được mục tiêu phát thải ròng về 0 - điều mà ông tin là sẽ xảy ra - thì các quốc gia vẫn cần phải phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, ngay cả sau năm 2050.

Ông Ali nói: “Như tôi đang nói ở đây, 53% hỗn hợp năng lượng của thế giới đến từ dầu khí. Ngay cả khi chúng ta đạt được cam kết đầy đủ, thì 35% đến 40% năng lượng của thế giới vẫn đến từ dầu và khí đốt. Vì vậy, trên thực tế, tôi không thấy có chuyện việc sử dụng dầu khí sẽ chấm dứt ngay lập tức trong trung hạn”.

"Ngay cả khi chúng ta tính tới tình huống vào năm 2070 và xa hơn nữa - chẳng hạn, 40% hỗn hợp năng lượng đến từ dầu và khí đốt - ai sẽ quyết định ai sản xuất 40% đó? Đây là những câu hỏi phải được trả lời, bởi vì không ai có thể đưa ra quyết định đơn thuần như thể: 'Nước này làm, nước kia nghỉ'”.

Tăng trưởng GDP tới 38% nhờ tìm ra báu vật: Quốc gia nghèo vẫn lo lắng vì sắp hết thời gian trước khi thế giới tiến đến cột mốc quan trọng - Ảnh 3.

Vận may dầu mỏ đã làm thay đổi nền kinh tế Guyan. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP nước này đã tăng 62% vào năm ngoái và dự kiến sẽ tăng thêm 38% trong năm nay. Đó là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Lợi nhuận thu được có khả năng sẽ được hưởng giữa một lượng dân số tương đối nhỏ. Mặc dù Guyana có diện tích bằng nước Anh nhưng dân số chỉ có 800.000 người. Phần lớn đất nước là rừng nhiệt đới.

Vì vậy, tiềm năng tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người là rất lớn. Trên thực tế, nó đã tăng rất mạnh. Vào năm 2015, khi công ty dầu mỏ Exxon của Mỹ thực hiện phát hiện đầu tiên ở vùng biển Guyana, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người là 11.000 USD. Năm nay, IMF dự đoán nó sẽ lên tới 60.000 USD.

Ông Ali cho biết đất nước của ông không có kế hoạch gia nhập OPEC và khẳng định chính phủ của ông sẽ tôn trọng các hợp đồng mà người tiền nhiệm đã ký với Exxon - mặc dù một số nhà hoạt động đã chỉ trích hợp đồng này quá hào phóng cho Exxon.

Ông Ali nói: “Thỏa thuận này đáng nhẽ có thể tốt hơn cho Guyana. Exxon đã có một thỏa thuận ký kết với chính phủ trước đó nhưng, hãy nhìn xem, đối với chúng tôi, tính thiêng liêng của hợp đồng là rất quan trọng. Chúng tôi không thể quay lại và đàm phán lại”.

Tham khảo Bloomberg, BBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại