Sáng kiến này của Thị trưởng thành phố Bandung, ông Oded M. Danial sẽ được triển khai từ tháng 11 tới.
Người đứng đầu bộ phận nông nghiệp và thực phẩm của thành phố Bandung cho biết, trong giai đoạn đầu của chương trình, Hội đồng thành phố sẽ tặng khoảng 1.000 chú gà con cho các em học sinh ở 30 tiểu khu.
Trường học tặng gà con và hạt giống giúp học sinh “cai nghiện” game.
"Chúng tôi đang tìm phương án thực hiện kế hoạch một cách logic. Trước hết, chúng tôi phải đảm bảo có đủ số gà con để phân phối bằng việc phối hợp với các trang trại gà", ông nói.
Theo thị trưởng Bandung, sẽ tốt hơn nếu cố gắng ngăn chặn chứng nghiện game từ khi trẻ còn nhỏ. Chương trình này không chỉ làm giảm chứng nghiện game mà còn dạy cho học sinh có trách nhiệm hơn thông qua việc chăm sóc gà.
Ông Oded nhấn mạnh: "Bọn trẻ cũng có thể học cách trở thành doanh nhân, yêu động vật và chịu trách nhiệm nhiều hơn".
Tuy nhiên, chương trình sẽ chỉ tặng những chú gà con cho các bé trai, trong khi các bé gái sẽ được cung cấp hạt giống ớt, cà chua và các loại cây khác để trồng.
Ông Oded cho rằng bằng cách đó, các bé gái sẽ ngừng chơi game và tìm hiểu về nông nghiệp.
"Những học sinh tiểu học và trung học cơ sở có thể trồng ớt và cà chua trước nhà. Ngay cả khi chỉ một nửa trong số học sinh thực hiện, điều đó cũng sẽ rất tốt cho toàn thành phố", ông nói.
Chính quyền thành phố Bandung không cung cấp bất kỳ số liệu thống kê nào về số lượng học sinh nghiện các thiết bị điện tử di động trong thành phố.
Tuy nhiên, công ty nghiên cứu Statista có trụ sở tại Hamburg (Đức) ước tính rằng, có tới 43 triệu người Indonesia chơi game trên thiết bị di động trong năm nay, tăng 10% so với năm ngoái.
Những người này đã chi tới 941 triệu USD cho các trò chơi di động và trực tuyến trong năm nay, tăng 8,5%.
Một nghiên cứu từ năm 2013 cũng ước tính rằng, 45% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Indonesia đã chơi game trực tuyến và không có kế hoạch ngừng chơi.
Nghiên cứu cũng ước tính khoảng 1/10 sinh viên ở Indonesia nghiện các trò chơi di động hoặc trực tuyến.
Chứng nghiện game hay rối loạn chơi game đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là một căn bệnh vào năm 2018.