Tân thủ tướng Nhật ưu tiên gì trong một năm cầm quyền?

Anh Minh |

Tân thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, người chỉ có một năm cầm quyền trước khi hết nhiệm kỳ vào tháng 9/2021, được dự đoán sẽ cải cách cơ cấu kinh tế thông qua một loạt các chính sách nhằm vào các ngành cụ thể, thay vì một chiến lược lớn để định hình lại xã hội và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.

“Ông ấy không theo đuổi những tầm nhìn. Ông ấy là người luôn muốn hoàn thành từng mục tiêu nhỏ”, nhà phân tích chính trị Atsuo Ito nói với Reuters. “Ban đầu, ông ấy sẽ tập trung vào các mục tiêu thực dụng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của mọi người”.

Thủ tướng Suga nói ông sẽ tiếp tục chiến lược “Abenomics” cổ súy tăng trưởng của người tiền nhiệm Shinzo Abe nhằm mục đích kéo Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát bằng các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ lớn cùng với cải cách cơ cấu.

Nhưng không giống như ông Abe, các kế hoạch cải cách cơ cấu của thủ tướng Suga sẽ tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy cạnh tranh.

Ông Suga phải nhanh chóng hành động vì nhiệm kỳ hiện tại của ông chỉ kéo dài một năm trừ khi ông kêu gọi một cuộc bầu cử nhanh để giành được quyền điều hành một nhiệm kỳ đầy đủ là ba năm.

Một số nhà quan sát cho rằng, điều đó có nghĩa là trước tiên ông Suga sẽ tìm kiếm những thành tựu nhanh chóng, giúp tạo ra dòng tiền trực tiếp đến từng hộ gia đình. Trong số đó có thể là cắt giảm chi phí điện thoại di động khoảng 40%, tăng lương tối thiểu và tăng các khoản chi trả để giảm chấn từ đại dịch.

Heizo Takenaka, người từng phục vụ trong nội các của cựu thủ tướng Junichiro Koizumi, cho rằng: “Vào lúc này, ông ấy phải tập trung vào những vấn đề rất ngắn hạn như làm thế nào để kích thích nền kinh tế”.

Loại bỏ các biện pháp bảo hộ trong ngành công nghiệp sẽ là một trong những mục tiêu như vậy, ngay cả khi điều đó làm ảnh hưởng đến một bộ phận công ty Nhật Bản.

Takenaka, người vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với ông Suga, nói: “Tạo ra sự cạnh tranh giữa các hãng điện thoại di động có thể là một chính sách mang tính biểu tượng đối với Suga vì ông ấy rất thích cạnh tranh. Ông ấy ghét những người có quyền lợi bất di bất dịch”.

Nếu thành công, thủ tướng Suga có thể theo đuổi những cải cách táo bạo hơn như tự do hóa lĩnh vực y tế được bảo vệ nghiêm ngặt, củng cố các ngân hàng yếu kém trong khu vực và phá vỡ các rào cản cản trở cạnh tranh giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Từng là người phát ngôn hàng đầu của thủ tướng Abe, ông Suga hiểu rõ bộ máy quan liêu khổng lồ của Nhật Bản.

Một số quan chức chính phủ nói rằng việc ông Suga tập trung bãi bỏ quy định khiến các chính sách của ông gần gũi hơn với chính sách của cựu thủ tướng Koizumi, người đã hợp nhất các ngân hàng lớn và bãi bỏ quy định thị trường lao động vào đầu những năm 2000.

Thách thức đối với Suga là phải đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng suy thoái tồi tệ nhất sau chiến tranh.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda, người đã hỗ trợ Abenomics với các biện pháp kích thích tiền tệ lớn, rất hy vọng.

Ông nói hôm thứ Năm: “Thật khó khăn nhưng hiện đã có một quan điểm được chấp nhận rộng rãi ở Nhật Bản rằng việc bãi bỏ quy định và cải cách cơ cấu là cần thiết”.

Ông Suga đã chính thức được hạ viện bầu làm thủ tướng hôm thứ Tư và là nhà lãnh đạo mới đầu tiên của Nhật Bản sau tám năm.

Thủ tướng Suga thể hiện mong muốn duy trì sự ổn định và liên tục khi ông giữ nguyên nhiều bộ trưởng trong khi chọn những người mới từ các phe phái khác nhau trong Đảng Dân chủ Tự do (LDP), Scott Seaman, Giám đốc khu vực châu Á tại công ty tư vấn Eurasia Group cho biết trong một báo cáo.

Trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách là thủ tướng hôm thứ Tư, ông Suga nói sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ công ăn việc làm đồng thời chống lại virus coronavirus, theo CNBC.

Nhưng thủ tướng Suga - được cho là ủng hộ người nhập cư- có thể làm tăng lượng di cư ròng hàng năm, giúp bù đắp phần nào lực cản do dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm.

Bất kể kế hoạch và thay đổi như thế nào, tân thủ tướng Nhật Bản chỉ có thời gian một năm, trước khi phải bước vào cuộc chạy đua giành vị trí lãnh đạo LDP, nếu muốn tiếp tục các chính sách của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại