Trung Quốc phản ứng trước quan hệ 'gần gũi' của tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản với Đài Bắc

Minh Đức |

Nhật Bản có thể đã lường trước được phản ứng từ Bắc Kinh khi bổ nhiệm em trai cựu Thủ tướng Shinzo Abe vào vị trí Bộ trưởng quốc phòng.

Hôm thứ Tư (16/9), Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã bổ nhiệm em trai của người tiền nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Tờ SCMP đưa tin, quyết định này ngay lập tức đã nhận được sự phản ứng từ phía Trung Quốc.

Ông Nobuo Kishi, 61 tuổi, là em ruột của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Ông được một người chú nhận nuôi, do đó mang họ chú.

Trung Quốc phản ứng trước quan hệ gần gũi của tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản với Đài Bắc - Ảnh 1.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi (ảnh: getty)

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản được biết tới là người có mối quan hệ thân thiết với Đài Loan. Trong những năm qua, ông từng đại diện Đảng Dân chủ Tự do (LPD) tham gia các hoạt động với giới lãnh đạo Đài Loan, bao gồm cả người đứng đầu Thái Anh Văn.

Hồi tháng Bảy, ông là một trong những nghị sỹ tháp tùng cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori tới Đài Bắc để tham gia lễ tang của cố lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy. Phái đoàn cũng đã có buổi gặp gỡ với bà Thái.

Xa hơn, hồi tháng Một, ông Kishi đã có chuyến công du một ngày tới Đài Bắc để chúc mừng bà Thái trúng cử nhiệm kỳ tiếp theo.

"Ông ấy khá gần gũi với Đài Loan và là một trong những người có liên hệ quan trọng nhất giữa giới bảo thủ tại Nhật Bản và chính quyền Đài Bắc", giáo sư chính trị học Koichi Nakano tại Đại học Sophia, Tokyo nói.

Phát biểu tại Bắc Kinh trong ngày 16/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin bày tỏ hy vọng Nhật Bản sẽ hạn chế phát triển các quan hệ chính thức với Đài Loan. Theo ông Wang, Bắc Kinh mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác với Tokyo.

Giáo sư Nakano nhận định, Nhật Bản gần như chắc chắn đã lường trước được phản ứng của Bắc Kinh khi bổ nhiệm ông Kishi.

"An ninh đang là vấn đề cần chú ý và trong tình hình Chính phủ Mỹ hiện tại, tôi nghĩ mặc dù Thủ tướng Suga biết Trung Quốc có thể không hài lòng với việc ông Kishi được bổ nhiệm nhưng Tokyo vẫn sẽ xử lý được mọi việc", ông Nakano nói.

Trong khi đó, phó giáo sư Liu Qingbin tại Đại học Quốc gia Yokohama chỉ ra, ngay cả khi từng tham gia nhiều vấn đề với Đài Loan, vẫn chưa thể biết được lựa chọn chính sách thực sự của ông Kishi. "Ông ấy là người cực kỳ kín tiếng", phó giáo sư Liu nhận xét.

Theo ông, do Thủ tướng Suga từng đưa ra những tín hiệu cho thấy sẽ tiếp tục triển khai các chính sách của người tiền nhiệm, đặc biệt trong ngoại giao và an ninh, việc ông Kishi – một người thân tín của cựu Thủ tướng Abe đảm nhận vị trí bộ trưởng quốc phòng, cũng không quá khó hiểu.

Trong gần 8 năm nắm quyền, ông Abe luôn cố gắng để giữ cho mối quan hệ với Trung Quốc được cân bằng khi Tokyo vẫn là một đồng minh an ninh quan trọng của Washington.

Giới phân tích đánh giá, Nhật Bản đã thành công hướng trọng tâm vào quan hệ kinh tế mà không bị vướng sâu vào quan hệ đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Đất nước Mặt trời mọc cũng tránh xung đột trực tiếp với Bắc Kinh ngay cả khi thể hiện một lập trường cứng rắn về cách Trung Quốc đối phó với dịch bệnh COVID-19 và luật an ninh quốc gia được Bắc Kinh áp dụng tại Hong Kong. Không chỉ vậy, chính phủ Nhật Bản còn bỏ ra 2,2 tỷ USD để giúp các công ty nước này chuyển đổi sản xuất các mặt hàng quan trọng từ Trung Quốc về Nhật Bản và sang một số nước khác.

Dưới thời cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tara Kono, Tokyo đã cáo buộc các tàu Trung Quốc liên tục xâm nhập biển Hoa Đông nơi có các đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa Trung Quốc, Nhật Bản và cả Đài Loan.

Phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Thiên chúa giáo Quốc tế Tokyo, ông Stephen Nagy nhận định, quyết định bổ nhiệm Kishi chứng tỏ Nhật Bản sẽ "tiếp tục mở rộng quan hệ với Trung Quốc nhưng kèm theo một dấu hiệu mạnh mẽ là Tokyo đang lo ngại về những phát triển nội bộ của Trung Quốc và an ninh khu vực". Nó cũng gửi đi thông điệp rằng, ông Abe gần như chắc chắn sẽ là một nhân vật có "ảnh hưởng" tới cách Nhật Bản đàm phán về quan hệ song phương với Trung Quốc cũng như trong mối quan hệ ba bên với Mỹ.

Còn theo phó giáo sư Liu từ Đại học Quốc gia Yokohama, mặc dù mối quan hệ của ông Kishi với Đài Loan gây tranh cãi nhưng Nhật Bản sẽ không có bất kỳ quan hệ chính thức nào với hòn đảo, đặc biệt trong lĩnh vực phòng thủ.

Ông Liu cũng lưu ý, việc đưa cháu của cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi vào nội các sẽ làm dấy lên những câu hỏi về liệu ông Kishi một ngày nào đó có đảm nhận vị trí đứng đầu Chính phủ Nhật Bản hay không.

"Điều đó thậm chí còn làm mờ đi khả năng ông Shinzo Abe trở lại chính trường lần thứ ba", ông Liu nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại