Tấn công tên lửa khắp Trung Đông

Hoàng Phương |

Một loạt cuộc tấn công tên lửa ở Syria, Lebanon, Iraq, Yemen trong ngày 20-1 làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột rộng hơn ở Trung Đông giữa một bên là Iran và các đồng minh, một bên là Israel và Mỹ.

Iran cho biết 5 thành viên lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của nước này (IRGC) đã thiệt mạng trong cuộc không kích bằng tên lửa nhằm vào một ngôi nhà ở thủ đô Damascus - Syria. Iran cáo buộc Israel tiến hành vụ tấn công này. Truyền thông nhà nước Iran cho biết Tổng thống Ebrahim Raisi đã cảnh báo sẽ trả đũa vụ không kích.

Trong khi đó, các nguồn tin an ninh Lebanon cho biết một cuộc không kích của Israel khiến một thành viên của phong trào Hezbollah (được Iran hậu thuẫn) thiệt mạng tại nước này. Sau đó, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết các nhóm do Iran hậu thuẫn đã bắn nhiều tên lửa, rốc-két vào căn cứ không quân Ain al-Asad ở miền Tây Iraq, khiến một số binh sĩ Mỹ bị thương nhẹ.

Mỹ hiện có 2.500 binh sĩ ở Iraq trong sứ mệnh cố vấn và hỗ trợ lực lượng địa phương ngăn tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng trỗi dậy. Dù vậy, đã xuất hiện nỗi lo Iraq có thể trở thành chiến trường giữa Mỹ, Israel và Iran.

Hiện trường vụ không kích tại thủ đô Damascus - Syria hôm 20-1 Ảnh: Reuters

Hiện trường vụ không kích tại thủ đô Damascus - Syria hôm 20-1 Ảnh: Reuters

Cũng theo CENTCOM, lực lượng Mỹ tiếp tục không kích nhóm Houthi ở Yemen với mục tiêu mới nhất là một tên lửa chống hạm đang nhắm vào vịnh Aden và chuẩn bị bắn. Không dừng lại ở đó, theo trang Bloomberg hôm 20-1, Mỹ và Anh đang cân nhắc đẩy mạnh chiến dịch quân sự nhằm vào Houthi, trong đó tập trung tấn công "nguồn tiếp tế" của Iran và tăng cường không kích phủ đầu. 

Cùng ngày, Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết có người của IRGC và Hezbollah tại Yemen để hỗ trợ Houthi trong các vụ tấn công nhằm vào tàu thuyền ở biển Đỏ, dù Houthi bác bỏ thông tin này.

Trong cuộc phỏng vấn phát trên đài CNN ngày 21-1, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan Al Saud bày tỏ lo ngại căng thẳng ở biển Đỏ có thể vượt tầm kiểm soát, khiến xung đột ở khu vực leo thang, đồng thời kêu gọi hạ nhiệt tình hình càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) thúc giục Mỹ ủng hộ lệnh ngừng bắn lập tức ở Dải Gaza sau khi cảnh báo cuộc xung đột Israel - Hamas càng kéo dài càng làm gia tăng nguy cơ căng thẳng lan rộng tại khu vực.

Nguồn cung dầu đến châu Âu bị ảnh hưởng

Theo Al-Jazeera, việc các tàu phải tránh biển Đỏ do lo ngại các cuộc tấn công từ phía lực lượng Houthi ở Yemen đang tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu. Một dấu hiệu rõ rệt là giá dầu thô Brent vào cuối tuần rồi có lúc tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng sau khi một số tàu chở dầu chuyển hướng khỏi biển Đỏ.

Theo nhà phân tích dầu thô Viktor Katona từ Công ty phân tích năng lượng Kpler (Bỉ), khi tuyến đường vận tải ở biển Đỏ bị gián đoạn, giá dầu thô Brent giao sau và các nhà máy lọc dầu ở châu Âu chịu ảnh hưởng mạnh. Theo đài Al Jazeera, dữ liệu của Kpler cho thấy lượng dầu thô Trung Đông hướng tới châu Âu chỉ còn 570.000 thùng/ngày trong tháng 12-2023, giảm gần một nửa so với mức 1,07 triệu thùng/ngày hồi tháng 10-2023.

Từ khi khủng hoảng Ukraine diễn ra, châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào dầu mỏ Trung Đông. Khu vực này là nơi cung cấp 1/3 lượng dầu thô Brent cho thế giới. Trong bối cảnh đó, hoạt động đi lại của tàu thuyền qua kênh đào Suez (nối Địa Trung Hải với biển Đỏ và là tuyến vận tải ngắn nhất giữa châu Âu với châu Á) có vai trò ngày càng quan trọng về chiến lược.

Ngoài căng thẳng ở biển Đỏ, những diễn biến khác cũng ảnh hưởng đến thị trường dầu thô châu Âu, như nguồn cung giảm từ Libya và Nigeria giảm xuất khẩu

Anh Thư

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại