Trong nửa thế kỷ qua, Mỹ đã huấn luyện và trang bị cho quân đội Arab Saudi số vũ khí trị giá hơn 150 tỷ USD, bao gồm cả máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không. Tuy nhiên, Riyadh lại không thể bảo vệ được một trong những tài sản quý giá nhất của mình – các cơ sở chế xuất dầu mỏ. Vụ tấn công cuối tuần trước bằng tên lửa và máy bay không người lái vào hai nhà máy lọc dầu Saudi Aramco đã khiến sản lượng dầu mỏ hàng ngày của vương quốc bị sụt giảm một nửa.
Mỹ từng bán cho Saudi hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, tuy nhiên, chúng lại được lắp đặt gần các cơ sở quân sự, chứ không phải là khu chế xuất dầu. Trong cuộc chiến dịch đánh bom kéo dài bốn năm vào Yemen, khiến hơn 8.500 thường dân bị thiệt mạng và hơn 9.600 người bị thương, quân đội Saudi được đánh giá là yếu thế hơn so với lực lượng nổi dậy Houthi. Trong một số vụ việc, ngay cả khi được tình báo My cung cấp thông tin, hành động của Saudi cũng không tỏ ra hiệu quả. Điều này khiến giới chức an ninh quốc tế và các nhà hoạt động nhân đạo không thể không nhận định rằng, mặc dù sở hữu các vũ khí tối tân nhất, Vương quốc Vùng Vịnh vẫn không thực sự quan tâm hoặc không có khả năng bảo vệ lãnh thổ thậm chí tham gia vào một cuộc chiến ở nước ngoài.
Theo tờ New York Times, Arab Saudi là một đồng minh quan trọng của Mỹ trong giới Arab và là một đối tác chủ chốt trong nỗ lực chống lại Iran. Tổng thống Trump không ngừng ca ngợi quan hệ giữa hai nước, trong khi vẫn bày tỏ ủng hộ với giới lãnh đạo Saudi ngay cả sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị ám sát năm ngoái.
Ông Trump đặc biệt đề cao việc Saudi là một đối tác thương mại lớn của Mỹ. "Họ bỏ ra 400 tới 500 tỷ USD trong một khoảng thời gian… để mua thiết bị", Tổng thống Mỹ nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 6. "Tôi không phải là một kẻ ngốc mà nói 'chúng ta không muốn làm kinh doanh với họ'".
Bà Becca Wasser, một nhà phân tích chính sách cấp cao của tổ chức RAND giải thích: "Đối với Saudi, họ quan tâm tới có các vũ khí cấp cao, lực lượng hoành tráng mà không cần phải có các kỹ năng của một lực lượng quân đội hiệu quả".
Vụ tấn công Saudi Aramco càng củng cố nhận định trên. Trong khi giới chức quân đội biện hộ, không thể bảo vệ hoàn toàn các mục tiêu cố định như mỏ dầu khỏi các vụ không kích, việc Saudi sở hữu đang nhiều hệ thống phòng thủ cùng một lúc, lại cho thấy sự thiếu phối hợp từ bên trong nội bộ nền quốc phòng nước này. Lầu năm góc và giới chức quân sự Mỹ nhận xét, điều đó ngăn trở bất kỳ nỗ lực phòng thủ nào.
Arab Saudi công bố các bộ phận được cho là từ tên lửa hành trình và thiết bị không người lái còn lại trong vụ tấn công vào nhà máy dầu Saudi Aramco (ảnh: getty)
Hiện chưa rõ liệu các hệ thống tên lửa Patriot mà Saudi mua từ Mỹ trong những năm gần đây có được triển khai để ngăn chặn các vụ tấn công trong tương lai, hay không. Một chuyên gia vũ khí nhận xét, sẽ rất khó để cản các tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp.
"Tôi không thích hợp để nói về hệ thống phòng không của nước khác", ông Patrick Ryder, phát ngôn viên của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quan Mỹ phát biểu trước báo giới. Tuy nhiên, ông tiết lộ, Bộ tư lệnh Trung ương giám sát hoạt động quân sự Mỹ tại khu vực đang làm việc với giới chức quốc phòng Saudi để tìm ra nguyên nhân và cách sửa chữa.
Bốn nhân viên quốc phòng Mỹ từng làm việc trong các chương trình huấn luyện với quân đội Saudi đã chia sẻ với New York Times về sự không hài lòng của mình. Theo họ, quân đội Saudi không có các phẩm chất cá nhân tạo nên trụ cột của quân đội Mỹ. Nhiều quan chức quân sự được thăng cấp nhờ vào sự bảo trợ và quan hệ với gia đình hoàng gia.
Tuy nhiên, các nhân viên trên cũng chỉ ra được một sức mạnh đặc biệt của quân đội Saudi, đó chính là việc họ tập trung vào phát triển lực lượng Tác chiến Đặc biệt, bao gồm những binh lính thực sự xuất sắc trong công tác tình báo nội địa. Mặc dù vậy, trong sứ mệnh phát triển một lực lượng quân đội chuyên nghiệp, quy mô lớn có tính kỷ luật cao với các bộ chỉ huy hà khắc, kết quả lại không quá lạc quan.
Một phi công Không lực Mỹ từng làm việc với quân đội Saudi đưa ra ví dụ: Không lực Saudi không yêu cầu duy trì huấn luyện liên tục – thể hiện qua giờ bay bắt buộc hàng tháng, như Không lực và các phi công Hải quân Mỹ. Trong những tháng đầu tiên của chiến dịch không kích Yemen mà Saudi là nước lãnh đạo, nhiều phi công của họ đã không bay được ở độ cao thấp, dẫn tới kết quả thả bom ở độ cao cao hơn, khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
Kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman từng kêu gọi giảm sự phụ thuộc của Saudi vào dầu mỏ, cũng như cải tổ ngành công nghiệp quốc phòng. Nhưng liệu quân đội nước này đã sẵn sàng cho một sự thay đổi lớn hay chưa, thì vẫn là câu hỏi để ngỏ. Nhiều chuyên gia an ninh cảnh báo, trong tất cả các tuyên bố công khai về nhu cầu hiện đại hóa, Thái tử Saudi vẫn chưa áp dụng những mục tiêu đó vào các vấn đề gây tranh cãi hiện tại, bao gồm cả quyết định nâng cấp hệ thống phòng thủ nội địa.