Hạnh phúc nói chung và Gia đình hạnh phúc nói riêng là những khái niệm mơ hồ và trừu tượng. Quan niệm hạnh phúc của mỗi cá nhân và lớn hơn là mỗi gia đình đều khác nhau. Nhiều người có thể cho rằng chỉ cần nhiều tiền bạc là đã hạnh phúc, nhiều người lại nghĩ có sức khỏe là sẽ hạnh phúc.
Tuy nhiên dù có nhìn nhận ở góc độ nào thì một gia đình hạnh phúc đều mang bản chất không đổi. Mỗi gia đình hạnh phúc đều sẽ mang lại cho những thành viên trong gia đình đó những cảm xúc tích cực. Thế nhưng trong xã hội ngày nay, rất ít gia đình có được điều này, mà điều đó thể hiện rất rõ trong tâm thư đang gây sốt của mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam dưới đây!
"Hôm trước vào bệnh viện, mình gặp mẹ con cô ấy ở… trước của nhà vệ sinh. Hai mẹ con trải manh chiếu, người mẹ lấy cái áo dày lót phía dưới cho con nằm.
Mình hỏi: "Sao em cho con nằm ở đây?".
Người mẹ hồn nhiên trả lời: "Vâng, cũng có mùi nhưng mà em không nằm nội trú để đỡ tiền. Em cho con ở đây như kiểu thăm người nhà. Bố nó bỏ đi lúc nó mới có hơn một tuổi. Cháu bị động kinh lúc nào cháu lên cơn, em bế cháu xuống phòng cấp cứu luôn cho tiện".
Mình không dám hỏi thêm những câu hỏi như vì sao thế này mà không thế kia. Nhìn đứa bé xanh xao nằm trên cái áo cũ, nhìn đôi gò má đen rám và thân hình gày gò như con chạch lặn ngụp của người mẹ, thấy xót xa. Ôi chao là phụ nữ!
Nhưng quanh mình cũng có những người phụ nữ đang bơi qua cái bể khổ, theo cách này hay cách khác.
"Ôi chao là phụ nữ!".
Đó là cô gái gần ba mươi tuổi đã ôm con một mình. Lấy chồng rồi không hạnh phúc và chia tay. Cô gái ấy ngày ngày vẫn đăng những bức ảnh cười toe nhưng mình đoán có những đêm gió mùa trong lòng đầy giông bão.
Những ngày con ốm con đau, những lúc đi làm về đường khuya ngõ vắng, những khi một mình bên mâm cơm… Sau li hôn, người đàn ông thường nhanh chóng tìm được một người nào đó thay vào chỗ gối trống nhưng phụ nữ khó khăn hơn nhiều. Vì còn con, vì còn sợ, vì còn lo. Ôi chao là phụ nữ!
Đó là người đàn bà có chồng ngoại tình nhưng chị cắn răng để cho qua. Ai cũng nói thời này là thời nào rồi mà còn nhẫn nhịn, cứ "lành làm gáo, vỡ làm muôi". Nói thì dễ nhưng ai ở trong cuộc mới biết cái sự phân li khó khăn đến mức nào.
Nên chị kể, mỗi lần ngủ với chồng, chị sẽ chia người mình thành hai khúc. Khúc dưới chị để anh ấy muốn làm gì thì làm, khúc trên chị cho phép mình được bay lên. Ôi chao là phụ nữ!
Đó là cô gái sống trong một gia đình khuôn phép, trật tự và luôn được dạy rằng, tất cả những đứa con khi đã có vợ có chồng phải sống quanh cái trục thuận hòa do cha ông để lại. Rồi cô lấy chồng, chồng lại là con trưởng của một gia đình gia thế khác.
Nhà chồng nhất định không cho vợ về nhà ăn tết, tết phải ở nhà chồng còn cơm nước cúng giỗ. Mẹ chồng có sai cũng phải xin lỗi vì phận làm con. Nhất nhất việc trong nhà do mẹ chồng quyết định.
Cô nhìn thấy hình ảnh chồng trong hình ảnh bố chồng, người im lặng uống trà khi mẹ chồng xắn tay cắt đặt công việc. Cô không nghĩ ngày nào mình có thể thay được vào chỗ bà. Nhưng về nhà mẹ đẻ thì bị mắng là không quay theo "trục". Cô cứ sống những ngày dằn vặt và câm lặng. Ôi chao là phụ nữ!
Và đó là rất nhiều, rất nhiều những người đàn bà hễ con ốm thì tự đưa con đi viện. Con ăn mà bị nôn trớ là do mẹ vụng về. Con bị một vấn đề gì đó liên quan đến hành vi hoặc các phổ rối loạn thì do mẹ không kiêng cữ khi mang thai, do ăn ở không tốt. Con học kém do mẹ không biết kèm. Đến cả việc chồng bị ốm, bị bệnh là do vợ không biết đường chăm sóc.
Người ta hồn nhiên đổ lên đầu phụ nữ những lỗi lầm.
Các ông bố, ông chồng còn rung chân ở một nơi nào đó.
Cổng trường giờ tan học đa số người đón con là các bà mẹ.
Họp phụ huynh lác đác một vài ông bố.
Các buổi học về thực hành thai sản, về phương pháp nuôi dạy con, các ông bố cũng đếm trên đầu ngón tay.
Ra công viên chơi vẫn các cặp mẹ con là chủ yếu.
Trong công sở, trong các nhà máy, xí nghiệp, lao động chính cũng vẫn thường là phụ nữ.
Nhưng các quán nhậu giờ tan tầm thấy rất nhiều đàn ông ngồi hả hê bên cốc bia, cụng li, mặt đỏ phừng phừng, bàn luận chuyện thế giới.
Tất nhiên giới nào thì cũng có người tốt và người xấu. Những người đàn ông tốt, những người đàn ông biết chở che, những người đàn ông có trái tim ấm áp vẫn nhiều trong cuộc đời này.
Nhưng phải chăng vì phụ nữ luôn có lòng trắc ẩn nên người ta hay lợi dụng để dồn ép, đàn ông dồn ép phụ nữ và phụ nữ dồn ép lẫn nhau.
Nhưng phải chăng vì với phụ nữ, con cái là thân thể, là trái tim, là sinh mệnh nên người ta hay lợi dụng điều đó để trút dồn trách nhiệm.
Bao giờ trong hầu hết các gia đình người Việt chỉ có những người đàn ông tử tế và lương thiện, người đàn ông có thể tin cậy, người đàn ông biết chăm con và chơi với con một cách bình dị và tự nhiên chứ không phải vì vợ phân công, người đàn ông không cắm cúi vào điện thoại hoặc ti vi khi đi làm về rồi ngồi ghếch chân đợi vợ nấu cơm?
Bao giờ trong hầu hết các gia đình chỉ có những người đàn ông thấy hạnh phúc khi được ăn bữa tối cùng cả nhà, thấy thương xót những vết rạn da trên bụng vợ, thấy cảm thông khi vợ đến kì, thấy trách nhiệm khi lỡ "ngoài kế hoạch"; người đàn ông mà vợ không ngửi thấy mùi karaoke trên cổ áo, không chỉ tay "cho một cô miền Tây" trong những cuộc ăn chơi?
Bao giờ trong hầu hết các gia đình người Việt, người đàn ông biết chuyển từ trạng thái yêu sang kính trọng người mẹ của những đứa con mình?
"Bao giờ trong hầu hết các gia đình người Việt, người đàn ông biết chuyển từ trạng thái yêu sang kính trọng người mẹ của những đứa con mình?"
Ngày xưa mình đọc về một nhà văn Pháp nổi tiếng, dòng cuối cùng ông viết trên bản thảo: J có bốn người đàn bà cùng một lúc và ông sống một cuộc đời trổng rỗng.
Một dòng thôi mà theo mình là cảnh tỉnh. Trong cái sự "đông đúc" đến tận bốn người đàn bà mà nhân vật ấy vẫn "trống rỗng". Nếu không chăm sóc cho gia đình bé nhỏ và yêu thương những đứa con, thì điều còn lại cuối cùng là "trống rỗng". Sợ nhất là nguồn năng lượng chảy giữa bố và con chỉ là tiền.
...
Đàn ông ơi, như các anh, phụ nữ cũng chỉ có mỗi một cuộc đời!".
Nguồn: Phan Hồ Điệp.