Tâm sự người cha chở con đi 8km hết 6 giờ trong mưa ngập ở Sài Gòn

Luật sư Nguyễn Văn Đức |

Cơn mưa chiều tối 26/9, một lần nữa "ông trời" đã kiểm chứng năng lực thực của những người có trách nhiệm trong công tác phòng chống ngập của TP.HCM.

Là người dân sống, làm việc ở mảnh đất Sài Gòn tròn ¼ thế kỷ, có lẽ chưa bao giờ tôi cảm giác sợ trời mưa như lúc này.

Mỗi khi trời vần vũ, chuyển mưa, là trong đầu tôi nghĩ ra một danh sách các con đường đi từ cơ quan đến trường học đón con và về nhà sao cho ít bị ngập nhất. Dần dần, suy nghĩ này trở thành phản xạ tự nhiên trong đầu.

Ngược lại, danh sách những con đường ngập ít, dần dần ít đi, thay vào đó là con đường ngập nặng ngày càng dài ra. Có con đường, trước ngập ít nay thành sông, con đường không ngập nay bắt đầu lên tới đầu gối…

Quả thật, chọn con đường ít ngập để đi từ nhà đến trường, đến cơ quan và ngược lại, trong những ngày mưa bão ở đất Sài Gòn, có lẽ trở thành thứ xa xỉ.

Tâm sự người cha chở con đi 8km hết 6 giờ trong mưa ngập ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Cơn mưa chiều tối qua, kéo dài chừng 3 giờ đồng hồ, từ hơn 16g30 đến 19g30, không ai có thể hình dung là Sài Gòn ngập sâu đến như vậy.

Có nơi lên đến cả mét, nước chảy cuồn cuộn, cuốn trôi cả xe máy, trôi cả trẻ con, hàng ngàn xe máy ngập lút chỉ còn cái kính chiếu hậu. Có lẽ đây là lần ngập sâu nhất từ trước đến giờ chăng?

Đoạn đường tôi đưa con tôi đang học lớp chín từ quận 3 về nhà ở Tân Phú, chừng 8 km, nhưng phải mất hơn 3 giờ đồng hồ mới tới. Nếu tính cả thời gian chờ mưa tạnh, từ trường về nhà mất 6 tiếng. 6 tiếng cho 8km, quả là một khoảng thời gian kinh khủng.

Là người cha, tôi không thể liều mình chở con về trong cơn mưa tầm tã, vì như thế chẳng khác nào đem tính mạng con mình ra để thử sự may rủi.

Bởi đường phố Sài Gòn bây giờ nhiều xui rủi tiềm ẩn, nào là nguy cơ cây cối ngã đổ; điện lưới rò rỉ, hố tử thần xuất hiện bất cứ lúc nào, bất cứ đường nào. Chưa kể một số tuyến đường, chưa mưa đã ngập, gây ách tắc giao thông, kẹt cứng.

Đứng dưới trời mưa, giao thông ách tắc, không phải là sự lựa chọn tối ưu. Do vậy, cha con tôi đành phải chờ tạnh mưa.

Mưa như trút nước, các quán bán thức ăn phần lớn đóng cửa, đành phải ăn lót ổ bánh mì cầm hơi. Nhìn con ăn bánh mì khô khốc, mặt phờ phạt vì vừa trải qua 8 tiết học trong ngày, đứt từng đoạt ruột.

Mưa không ngớt, con tôi than thở: "Kiểu này chắc tối nay con không ngủ được!" Hỏi con lý do, con kể: Tối nay còn 4 môn phải chuẩn bị bài cho ngày mai. Tự nhiên, tôi rớt nước mắt, đành vội quay mặt đi. Tuổi thơ con tôi đã bị đánh cắp bởi chương trình giáo dục thiếu khoa học.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đăng đàng nói là cải cách, giảm tải chương trình, nhưng chẳng hiểu sao càng giảm tải, chương trình học càng nặng. Mới lớp chín mà đã học chương trình sinh học trước đây dành cho học sinh 12, luyện thi đại học y dược! Choáng.

Sau một ngày vật lộn với con chữ trên lớp, lẽ ra đám trẻ con như con tôi phải được về nhà sớm để nghỉ ngơi, lấy lại sức cho ngày hôm sau. Ấy vậy mà, thời gian nghỉ ngơi quý báu ít ỏi đó cũng bị nạn kẹt xe, ngập đường cướp mất. Đúng là làm trẻ con bây giờ là khổ nhất.

Không có thời gian để nghỉ, ngủ. Nhìn con tiều tụy, mệt mỏi vì chờ nước rút, đường hết kẹt xe để về nhà, lòng tôi tan nát. Cuối cùng, chúng tôi cũng về đến nhà, khi đồng hồ bước qua 10 giờ đêm. Cuộc hành trình từ trường về nhà mà cứ như một cuộc "trường chinh".

TP.HCM hàng năm bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để chống kẹt xe, chống ngập nước. Nhưng càng chống, càng kẹt, càng ngập. Vậy mà suốt thời gian qua, chẳng thấy có người nào có trách nhiệm của TP.HCM lên tiếng nhận trách nhiệm.

Hầu hết quan chức có trách nhiệm của TP.HCM khi được hỏi, đều trả lời: Do mưa lớn, do triều cường, do đủ thứ lý do.

Tuyệt nhiên, không thấy lý do nào liên quan đến quản lý, tầm nhìn, quy hoạch. Hàng chục ngàn tỷ đồng ngân sách giải ngân chống ngập nhưng ngập vẫn "leo thang" cùng với khói bụi, kẹt xe.

Hiện tại, TP.HCM với 13 triệu dân, chưa phải là thành phố lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng cơ sở hạ tầng từ đường sá, hệ thống điện, cấp thoát nước đều bị quá tải nặng nề. Trong Nghị quyết của Thành ủy nhiệm kỳ X (2015-2020), có 7 chương trình đột phá, trong đó có chương trình về chống ngập, giảm kẹt xe.

Liệu tới năm 2020, TP. HCM hết ngập, hết kẹt xe không? Không ai dám cam kết. Điều này có nghĩa là một kế hoạch, một kết quả chống ngập, chống kẹt xe còn mơ hồ lắm. Nhưng tiền ngân sách để giải ngân chống ngập, chống kẹt xe thì không mơ hồ.

"Xây dựng TP.HCM – thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình", câu khẩu hiệu có thể bắt gặp bất cứ đâu trên đường phố Sài Gòn. Nhưng từ khẩu hiệu đến thực tế cần được kiểm chứng bằng chất lượng cuộc sống của người dân.

Một thành phố văn minh, hiện đại không thể có cảnh đường thành sông khi mưa; kẹt xe, tắt đường khi nắng; trẻ con không bị đánh cắp tuổi thơ, giờ giấc ngủ, nghỉ; cha mẹ không phải lo lắng khi con cái ra đường với bao sự rủi ro chực chờ rơi xuống.

Giải quyết những những điều này là do năng lực, trí tuệ và tầm nhìn của người quản lý chứ không phải do "ông trời". Là một công dân TP.HCM, tôi kỳ vọng, các quan chức TP.HCM khi trả lời báo chí về vấn đề ngập lụt, kẹt xe, đừng đổ lỗi cho ông trời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại