Báo cáo hồi tháng 3 về tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, cả nước hiện nay có hơn 55 triệu lao động có việc làm, trong đó gần 15 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp; hơn 9 triệu lao động đang làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp.
Số lao động làm trong các doanh nghiệp thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống là 8,8 triệu lao động.
Trong tháng 2, qua báo cáo nhanh của các doanh nghiệp thì có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp.
Theo khảo sát mới nhất của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI gần đây cũng đưa ra những con số đáng lưu ý:
- 85% DN cho biết thị trường bị thu hẹp vì dịch bệnh
- 60% DN thiếu vốn, đứt dòng tiền
- 40% DN thiếu nguồn cung nguyên liệu…
Theo đó, 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với năm 2019 và nếu dịch bệnh căng thẳng, 50% doanh nghiệp chỉ trụ được nửa năm.
Cắt giảm nhân sự là từ khóa phổ biến đối với doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ trước khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Doanh nghiệp đứng trước bài toán không cắt giảm nhân sự thì không có tiền trả lương, bảo hiểm, thuê mặt bằng. Trong khi nếu cắt bớt nhân sự thì sau khi phục hồi lại tuyển dụng, đào tạo lại tốn kém như nhau.
Buộc phải chọn giữ tiền hay giữ người là câu hỏi càng khó với các startup khi đây là 2 nguồn lực vô cùng quan trọng với công việc khởi nghiệp.
"Đây là câu hỏi khó mà các nhóm CEO trên mạng đang bàn luận rất nhiều. Về cơ bản chọn một trong hai đều không phải là phương án tối ưu mà chúng ta phải tính toán cân đối mỗi thứ chọn một it. Doanh nghiệp tôi cũng vậy.
Chúng tôi cũng cần dòng tiền mà cũng cần những nhân sự giỏi đang làm việc hiệu quả", anh Lê Việt Thắng- CEO 1Office trả lời phỏng vấn VTV.
Ở vị trí là chủ doanh nghiệp nếu buộc phải cắt giảm nhân sự thì đây quyết định rất khó khăn dù có thể cứu cả công ty. Anh Thắng cho biết có những nhân sự đã làm việc với công ty từ khá lâu rồi trong lúc khó khăn buộc phải cắt giảm và đặc biệt quyết định này còn ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Tuy nhiên CEO này cũng cho biết nếu bắt buộc phải cắt giảm thì startup có thể tuân theo nguyên tắc mà công ty anh cũng như các bạn bè đang thực hiện như sau:
"Về nguyên tắc chúng tôi chia làm 3 bộ phận:
Bộ phận không thể cắt giảm- đây là những bộ phận giữ vị trí chủ chốt đương nhiên công việc của họ rất quan trọng. Chúng tôi có thể thương lượng với cán bộ công nhân viên chậm một phần nào đó lương để đảm bảo dòng tiền của doanh nghiệp.
Bộ phận thứ 2 có thể cắt giảm đó là những bộ phận trực tiếp tạo ra doanh thu. Bởi vì thị trường bị ảnh hưởng nên bộ phận này trực tiếp bị ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ kiểm tra để đánh giá những bạn nào đang làm việc hiệu quả thì sẽ giữ lại, bạn nào làm việc chưa hiệu quả hoặc ý thức làm việc chưa tốt thì chúng tôi buộc phải cắt giảm trong đợt này.
Bộ phận thứ 3 có thể cắt giảm ngay là những đơn vị có cũng được mà không có cũng được như tuyển dụng, đào tạo".
"Doanh nghiệp nào còn được lựa chọn có nghĩa là đang còn tiền và đang còn người. Còn có nhiều doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào nữa hoặc đại đa số hết tiền.
Rất may doanh nghiệp tôi và bạn bè tôi còn đang được lựa chọn, về cơ bản hành xử giống tôi tuy nhiên tỷ lệ khác nhau. Có doanh nghiệp giữ nhiều người hơn nhưng mất tiền và ngược lại", anh Thắng chia sẻ thêm thực trạng công ty hiện nay.
Mới đây để hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong cuộc họp ngày 8/4, Thủ tướng Chính phủ cho biết về gói hỗ trợ tiền tệ hiện nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng. Thủ tướng nêu rõ tinh thần không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với những chính sách quyết liệt được Chính phủ đang triển khai hiện nay, hy vọng các doanh nghiệp, startup sẽ được tiếp thêm nguồn lực để không phải đưa ra những quyết định cân não như cắt giảm nhân sự nào để tiếp tục cầm cự và tồn tại.