Khi trường học cũng là nhà
Lớp học tình thương của bà Thoa nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên phố Lê Lợi, thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Không gian học tập tuy không rộng, bàn ghế không nhiều nhưng đó là tất cả những gì bà Thoa gom góp được sau thời gian dài nghỉ hưu.
Tuy đã ngoài 70 tuổi nhưng bà vẫn đảm nhiệm công việc đứng lớp, miệt mài dạy chữ cho 18 - 20 em học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ. Thời gian rảnh rỗi, bà lại tranh thủ quét dọn nhà cửa, ngồi tụng kinh, đọc sách, chuẩn bị cho chuyến đò chèo lái tiếp theo.
Với bà Thoa và các em học sinh thì trường học cũng là nhà. Ảnh: TH.
Gắn bó với ngành giáo dục đã tròn 57 năm, từng giảng dạy và làm hiệu trưởng tại trường THCS Viên Sơn và THCS Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây), sau khi về hưu năm 1993, bà Thoa vẫn một lòng tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, mong muốn giúp đỡ những em học sinh khuyết tật có hội được học tập, được hòa nhập với cộng đồng.
Thời gian đầu khi mới thành lập, lớp học tình thương này gặp rất nhiều khó khăn. Một số người xung quanh còn ngạc nhiên và tỏ vẻ hoài nghi nghĩ rằng bà Thoa mở lớp vì mục đích tư lợi.
Dù vậy, ngày ngày bà vẫn thầm lặng dạy dỗ bọn trẻ miễn phí. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn, bà sẵn sàng rút một phần lương hưu của mình để giúp đỡ.
Những câu nói sâu sắc mà bà Thoa xem như kim chỉ nam nghề nghiệp của mình. Ảnh: TH.
“Ở đây, tôi vừa làm hiệu trưởng, vừa làm giáo viên, vừa làm bảo vệ, vừa làm lao công và tự trả lương cho mình. Mỗi học sinh trong lớp học đều có phương pháp dạy dỗ khác nhau. Tôi chia từng em, từng đối tượng khu biệt câm điếc, thiểu năng... Cứ như vậy, dạy từng con chữ, từng con số” - bà Thoa tâm sự.
Bà Thoa chia sẻ thêm, vì đối tượng đều là những đứa trẻ khiếm khuyết nên có khi một bài học có thể lặp lại đến 5 - 7 lần. Có em cả một năm học mới nhớ được vài mặt chữ. Nghề này phải kiên trì và phải có tâm huyết thực sự thì mới đạt được kết quả.
Cuốn lưu bút ghi lại hành trình “chèo đò” đầy gian nan của bà Thoa. Ảnh: TH.
Quả ngọt từ “tâm”
Ngoài việc dạy các kiến thức sơ đẳng, bà Thoa còn lồng ghép vào chương trình học những quy tắc ứng xử, giáo dục đạo đức cho học sinh khiếm khuyết.
Sau một thời gian dài học tập bền bỉ, nhiều em học sinh từ con số 0 nay đã có nhiều tiến bộ, ngoan ngoãn, lễ phép hơn rất nhiều. Có em trưởng thành, có công ăn việc làm, tự nuôi sống được bản thân.
Điển hình là cậu học trò Hoàng Mạnh Tuấn, học sinh để lại nhiều ấn tượng nhất đối với bà Thoa. Ngày mới vào học, Tuấn là cậu bé bị suy dinh dưỡng nặng biến chứng tê phù. Bà Thoa vừa dạy học miễn phí vừa bỏ tiền túi để giúp đỡ em.
Tấm ảnh bà chụp chung với cậu học trò Hoàng Mạnh Tuấn nhân dịp kỉ niệm 25 năm thành lập lớp học tình thương 1994 - 2019. Ảnh: TH.
Hàng ngày, bà Thoa tự tay sắc từng thang thuốc bắc cho Tuấn uống. Chỉ một tháng sau em đã tăng 2.5kg, bệnh tình cũng dần dần được đẩy lui. Tuấn lẻo khẻo ngày nào giờ đã là người đàn ông trưởng thành, có việc làm ổn định, đã thành gia lập thất.
Hình ảnh các khóa học 15 năm qua được bà sưu tầm và lưu giữ. Ảnh: TH.
Hành trình 25 năm chèo đò gian nan, giờ đây bà Thoa có thể tự hào về những “quả ngọt” mà bà tự tay gieo trồng. Thế nhưng người phụ nữ phúc hậu, điềm đạm này lại không nề hà gì đến những lời ca tụng.
Giờ đây, bà Thoa luôn tâm niệm và biết ơn những người thân, họ hàng, các tổ chức xã hội, những người đã đồng hành và động viên, giúp đỡ bà thực hiện ý nguyện của mình.
Người thì quyên góp máy tính, người thì quạt mát, người thì cái bàn, cái ghế... lớp học tình thương cũng vì thế mà đủ đầy hơn rất nhiều.