Trong 3 ngày từ 13/12 (thứ Sáu) đến 17h ngày 15/12/2024 (Chủ Nhật), CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) đã dẫn đoàn 51 cổ đông sở hữu trên 200.000 cổ phiếu HAG tham gia chuyến đi thực tế tham quan các dự án nông nghiệp của Tập đoàn tại Việt Nam và Lào.
Chuyến đi nhằm mục đích cập nhật tình hình kinh doanh cũng như phát triển nông trại của HAGL. Trong chuyến tham quan đợt này, Công ty cũng đã gửi tặng mỗi cổ đông 1 thùng chuối Bolaven (trọng lượng 10kg/thùng).
Ghi nhận, tổng diện tích chuối và sầu riêng của Tập đoàn đang được mở rộng theo như kế hoạch công bố. HAGL vừa trồng thêm vườn sầu riêng mới bên Lào, tăng số lượng chuyên gia chăm sóc từ Thái Lan song song trồng thêm một vài cây ngắn ngày (xen canh) nhằm đáp ứng dòng tiền ngắn hạn….
Trong đó, với sầu riêng - cây trồng tỷ đô của Việt Nam và cũng là sản phẩm “đắt giá” nhất hiện nay của Tập đoàn, HAGL cho biết đang cố gắng hoàn thiện tổng diện tích 2.000ha như kế hoạch đã công bố. Năm 2024, HAGL thu hoạch sầu riêng khoảng 560ha, bao gồm 70ha tại Gia Lai (còn lại tập trung ở Lào).
Với sầu riêng, giá bán năm 2024 là 80.000 đồng/kg. Tương đương, sầu riêng hiện 1 đồng vốn bỏ ra thu về hơn 6 đồng lời. HAGL đang thuê 20 chuyên gia Thái Lan chăm sóc vườn sầu riêng, nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng, bởi sầu riêng tuy dễ trồng nhưng để ra trái thì rất khó, đòi hỏi phải có kỹ thuật chăm sóc.
Với nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở mức cao, đặc biệt là Trung Quốc, HAGL dự kiến sầu riêng sẽ là cây cho lợi nhuận chính trong tương lai, với hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Về Chuối, HAGL đang phát triển 7.000ha chuối, giá bán hiện tại là 20.000 đồng/kg. Ngoài Trung Quốc, HAGL cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật và Hàn Quốc.
Trong đó, Nhật Bản đã nâng số lượng đơn hàng từ 2 container mỗi tháng lên 70 container mỗi tuần và mua với mức giá ổn định. Tương tự, số lượng xuất sang Hàn Quốc và Trung Quốc cũng tăng mạnh vài chục lần so với thời gian đầu.
Mới nhất, hồi tháng 11/2024, Tập đoàn đã ký kết với KingFood Mart để phân phối sản phẩm giữa hai bên. Đây theo HAGL là dấu mốc Tập đoàn chính thức bước vào thị trường nội địa.
Mặt khác, chuối (cụ thể là chuối thải) hiện còn là đầu vào để HAGL làm thức ăn chăn nuôi.
Về Heo (heo ăn chuối) , Công ty cho biết đang có 15.000 con heo nái, mục tiêu tăng đàn nái lên 18.000 con trong năm sau. Theo tính toán của Tập đoàn, 1 con heo nái trung bình cho khoảng 28 con heo, tương đương đàn nái mục tiêu 18.000 nái sẽ cho tổng cung ứng 500.000 con heo/năm.
Dự kiến, năm 2025 Tập đoàn sẽ ghi nhận doanh thu lợi nhuận từ mảng heo trở lại.
“Nhiều người nói HAGL báo lãi 1.000 tỷ nhưng đi đâu? Tiền đó Tập đoàn đầu tư trồng cây. Những cổ đông phải đi nông trại mới thấy được diện tích các loại cây trồng đang càng lúc càng rộng ra . Nếu đi đúng kế hoạch, dự kiến HAGL sẽ xoá được hết lỗ luỹ kế từ năm 2025. Năm 2026 sẽ là điểm rơi lợi nhuận và bắt đầu chia cổ tức cho cổ đông ”, đại diện công ty nói.
HAGL từng là doanh nghiệp đa ngành và được săn đón trên sàn chứng khoán. Sau sự cố cao su năm 2015 đến nay, vẫn còn không ít cổ đông đồng hành.
Trong đó, một cổ đông lâu năm là anh Q (giấu tên) cho biết bản thân mua HAG từ hồi đỉnh cao. Kỳ vọng nhiều song thời gian đó, bản thân anh Q cũng đã bán ra không ít nhằm “cắt lỗ”. Song, với niềm tin vào người đứng đầu và tài sản của Tập đoàn, cổ đông này chia sẻ bản thân ngay sau đó mua lại dần ở vùng giá 2.000-3.000 đồng/cp.
“Nhìn tài sản thì tôi nghĩ HAG không thể giảm thêm nữa , nên mua vào. Đến sau này khi HAG làm nông nghiệp, niềm tin tăng dần nên tôi mua lại nhiều hơn”, anh Q nói. Cổ đông này kỳ vọng HAG nếu trả xong nợ, cải thiện dòng tiền sẽ tăng mạnh trở lại. “ Có sự thay đổi rất lớn trong HAGL , trong khi nói ra thì mọi người không tin ” , anh nói thêm.
Ảnh: Chủ tịch HAGL là ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) chia sẻ thông tin với cổ đông tại Văn phòng Công ty TNHH MTV PTNN Khăn Xay (Lào).
Đồng quan điểm, chị Th (giấu tên) – cổ đông đầu tư HAG được 3 năm, nhấn mạnh so với những chuyến đi trước đó, cụ thể là chuyến đi 3 nước năm 2022, thì HAGL đang c ó sự thay đổi đi lên rõ rệt. Chị Th tâm sự bản thân biết đến HAG thông qua một đội nhóm có tiếng trên thị trường, tuy nhiên sau khi mua vào thì giá cổ phiếu giảm và bản thân chị cũng không còn được nhận thông tin từ đội nhóm của mình khiến chị hoang mang.
Lúc bấy giờ, chị Th cho biết bắt đầu tự tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp, tham gia đi nông trại với Tập đoàn và đến bây giờ cảm thấy yên tâm hơn với khoản đầu tư của mình. Bản thân chị hiện cũng là một thành viên chủ chốt trong cộng đồng đầu tư mã HAG (từ 300 người hiện đã hơn 1.000 người), theo chị HAG là cổ phiếu được rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường quan tâm.
“Dù vậy, cũng cần nói là cổ phiếu HAG còn phụ thuộc vào tâm lý nhà đầu tư , nhiều nguồn thông tin thật giả lẫn lộn . Đặc biệt, những kỳ vọng ảo khiến nhà đầu tư tự tin đầu tư mạnh, khi cổ phiếu giảm thì mất niềm tin ”, cổ đông này nói.
Chị này đánh giá, doanh nghiệp hoạt động bình thường, đi đúng với lộ trình công bố. Chị Th nhận xét dù HAGL có nhiều sản phẩm mới chưa ghi nhận quá nhiều doanh thu lợi nhuận, nhưng cổ đông thấy được có sự đầu tư bài bản hơn từ Tập đoàn. HAGL theo đó là công ty có tiềm năng, đội ngũ có sự tìm tòi và biết khai thác được lợi thế là quỹ đất.
Một cổ đông khác là anh Đ (giấu tên) chia sẻ năm 2020 biết đến HAG với nhiều thồng tin không tốt, trồng gì cũng không thành… và bắt đầu tìm hiểu. Tuy nhiên, bản thân anh Đ cho biết rất thích ngành nông nghiệp, và có niềm tin vào tương lai ngành nông nghiệp khi Chính phủ cũng có rất nhiều chính sách phát triển ngành.
Đó là lý do anh Đ tìm đến “bầu Đức” và đầu tư dài hạn vào HAG, người theo anh Đ là làm nông nghiệp quy mô lớn duy nhất tại Việt Nam.