Đã có khá nhiều nhà khoa học, bác sĩ đã cảnh báo về tình trạng thiếu vitamin D ở Việt Nam hiện nay.
Theo định nghĩa, vitamin là những chất mà cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được, mà phải đưa từ bên ngoài vào, qua đường ăn uống, như vitamin A,B,C,E,…
Nhưng cơ thể chúng ta hoàn toàn có khả năng tự tổng hợp được vitamin D. Vì vậy nếu coi vitamin D là một loại hoóc môn có lẽ sẽ chính xác hơn.
Vitamin D là một nhóm bao gồm các vitamin D1,D2,D3,D4… Bài viết này chỉ đề cập đến vitamin D3, do vai trò của Vitamin D3 nổi bật nhất, rất quan trọng đối với cơ thể, nên nhiều khi cứ nói đến vitamin D là mọi người hiểu đó là Vitamin D3.
Trước đây, các nhà khoa học biết rằng Vitamin D3 có vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể chúng ta tăng cường hấp thu Canxi ở ruột, sẽ giúp tránh còi xương ở trẻ em và làm giảm loãng xương ở người già.
Nhưng hiện nay, qua nhiều nghiên cứu, các tác giả đã phát hiện thêm nhiều chức năng quan trọng của vitamin D3 đối với sức khỏe.
Vitamin D3 không chỉ giúp tăng cường hấp thu canxi làm xương chắc khỏe, mà còn có rất nhiều vai trò quan trọng như: Tăng cường hệ miễn dịch; Giúp hệ cơ phát triển; Giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư; Giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường; Giảm stress…
Càng ngày, qua nhiều nghiên cứu, càng phát hiện thêm nhiều vai trò quan trọng của vitamin D3.
Trước đây, một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận một người lớn trung bình cần khoảng 600-800IU/ngày (International Unit, đơn vị quốc tế, 1g bằng 40 triệu đơn vị).
Nhưng hiện nay một số nghiên cứu mới lại kết luận, một người lớn trung bình cần đến 2000IU/ngày để cho một cơ thể khỏe mạnh.
Một số thực phẩm chứa nhiều Vitamin D như: lòng đỏ trứng, nấm, đậu nành, cá, sữa tươi...
Vitamin D3 có thể được đưa vào cơ thể qua thức ăn, nhưng lượng Vitamin D3 có trong thức ăn thường không cung cấp đủ nhu cầu cho cơ thể. Vitamin D3 có trong lòng đỏ trứng, mỡ cá, các sản phẩm từ sữa…
Một lòng đỏ trứng chỉ có khoảng 20IU vitamin D3, 100g cá hồi cũng chỉ có khoảng 500IU, 1 cốc sữa tươi cũng chỉ có khoảng 100IU. Như vậy, nếu chỉ thông qua ăn uống, gần như không thể cung cấp đủ nhu cầu vitamin D3 cho cơ thể.
Theo các nhà khoa học, phải đến hơn 90% lượng vitamin D3 trong cơ thể là do cơ thể tự tổng hợp. Dưới tác dụng của ánh nắng, chính xác hơn là tia UVB (tia tử ngoại B) trong ánh nắng, chiếu vào da, làm cho một chất tự nhiên có trong da người, tên gọi là 7-dehydrocholesterol (7-DHC) chuyển thành cholecalcilferol.
Cholecalciferol là tiền chất của vitamin D3, sau đó theo dòng máu đến gan và thận để được chuyển hóa thành vitamin D3. Chỉ trong khoảng 30 phút tiếp xúc với ánh nắng, cơ thể chúng ta có thể tổng hợp từ 10.000-20.000IU.
Một điều tuyệt vời nữa là, khi cơ thể đã đủ vitamin D3, sẽ có cơ chế tự điều chỉnh, để không tổng hợp thêm nữa, dù da có tiếp xúc thêm với ánh nắng nhằm tránh việc vitamin D3 trong cơ thể tăng cao. Trong khi đó, nếu dùng các thuốc bổ sung vitamin D3 không cẩn thận, có thể sẽ gây quá liều và ngộ độc.
Trước kia ở Việt Nam gần như không có chuyện thiếu vitamin D3 do trẻ con hay chơi ngoài trời, người lớn cũng lao động, làm việc ngoài trời nhiều, không dùng kem chống nắng.
Tuy hiện nay chưa có thống kê rõ ràng, nhưng nhiều bác sĩ, nhà khoa học đã thấy nguy cơ thiếu vitamin D3 ở người Việt Nam là rất cao.
Do trẻ em hay ở trong nhà, ít có các hoạt động ngoài trời. Người lớn làm việc văn phòng nhiều, khi ra ngoài lại dùng mũ, nón, khẩu trang, kính… bảo vệ quá kỹ, nhất là phụ nữ. Kể cả khi đi biển, du lịch cũng hay dùng kem chống nắng.
Thực phẩm cũng cung cấp VItamin D cho cơ thể, nhưng quan trọng nhất vẫn là ánh nắng
Chúng ta cần lưu ý rằng, chỉ cần một lớp kem chống nắng mỏng, hay một tấm kính mỏng (cửa sổ, cửa kính ô tô), quần áo mỏng cũng làm ngăn cản không cho tia UVB xuyên qua được.
Hiện nay do nhu cầu làm đẹp nên mọi người thường có xu hướng tránh ánh nắng bằng mọi cách, tránh càng nhiều càng tốt, nhưng rõ ràng như vậy không hề có lợi cho sức khỏe.
Một điều khá rõ ràng hiện nay mà ai cũng thấy đó là trẻ em bây giờ thường xuyên ốm, mặc dù được chăm sóc và ăn uống tốt hơn nhiều so với vài chục năm trước.
Tất cả các điều kiện sinh hoạt bây giờ đều tốt hơn rất nhiều so với trước, như vệ sinh, tiêm chủng, dinh dưỡng…
Nhưng mọi người đều thấy thời xưa vài chục năm trước trẻ em ít ốm hơn hẳn so với bây giờ. Có lẽ một trong những lý do đó chính là trước kia, trẻ em được tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn.
Nhưng việc tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều có thể gây ung thư da, đặc biệt là với người da trắng, nên hiện nay vẫn chưa có bất kỳ một hướng dẫn chuẩn nào về việc tiếp xúc với nắng bao lâu.
Nhưng nguy cơ ung thư da do tiếp xúc với ánh nắng của người Việt Nam có lẽ thấp hơn nhiều so với người da trắng.
Theo một số tác giả, nhà nghiên cứu khuyên nên tiếp xúc ít nhất với ánh nắng 3 lần một tuần, mỗi lần từ 5-30 phút mà không dùng kem chống nắng, quần áo che vùng mặt, chân, tay. Tuy nhiên cũng nên tránh thời gian nắng gắt từ 10h đến 15h chiều.
Như vậy để đảm bảo cơ thể chúng ta có đầy đủ Vitamin D3, các bạn không cần có một chế độ dĩnh dưỡng đặc biệt hay phải dùng thêm các thực phẩm bổ sung nào.
Chỉ cần ăn uống bình thường, cộng với việc tiếp xúc với ánh nắng thường xuyên sẽ giúp cơ thể chúng ta có đầy đủ Vitamin D3.
Đối với những đối tượng đặc biệt như trẻ em, phụ nữ có thai, người làm ca đêm thường xuyên... ít với tiếp xúc với ánh nắng, cần bổ sung thêm Vitamin D3.
Chúng tôi khuyên các nên đi khám để được bác sĩ tư vấn các biện pháp thích hợp. Không nên tự ý dùng Vitamin D3 bổ sung, vì nếu dùng quá liều có thể gây ngộ độc có nhiều biến chứng nguy hiểm với sức khỏe.
Sự lựa chọn hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta, sức khỏe hay một làn da đẹp.