Tầm nhìn chiến lược kinh tế sau dấu mốc 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc

Bích Thuận |

2021 là một năm quan trọng đối với Trung Quốc khi nước này kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và cũng là thời điểm đưa ra các mục tiêu, định hướng phát triển trong tương lai.

Nội dung đáng chú ý trong tầm nhìn về kinh tế

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Trung Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, đặc biệt là sau hơn 40 năm cải cách mở cửa.

Số liệu thống kê vừa được Ủy ban Tài chính Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố mới đây cho thấy, sau hơn 70 năm thành lập nước Trung Quốc mới, nền kinh tế nước này đã tăng khoảng 189 lần. Giờ đây, tổng lượng kinh tế của Trung Quốc đã vượt 100.000 tỷ Nhân dân tệ (gần 15.700 tỷ USD), chiếm hơn 17% kinh tế toàn cầu và là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Tầm nhìn chiến lược kinh tế sau dấu mốc 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc - Ảnh 1.

2021 là một năm quan trọng đối với Trung Quốc khi nước này kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: AFP

Theo mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035 được Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra tại Hội nghị Trung ương 5 khóa 19 hồi tháng 10 năm ngoái và Quốc hội nước này thông qua hồi tháng 3 năm nay, Trung Quốc sẽ "cơ bản hoàn thành hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035".

Trong đó, sức mạnh kinh tế, sức mạnh khoa học công nghệ, sức mạnh tổng hợp tăng mạnh, tổng lượng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người của cư dân thành thị và nông thôn đạt một trình độ mới, công nghệ cốt lõi đạt đột phá lớn, đi đầu trong các nước sáng tạo.

Đáng chú ý, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ đạt mức của các nước phát triển trung bình, nhóm cư dân thu nhập trung bình mở rộng đáng kể, dịch vụ công cơ bản đạt mức bình đẳng, chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn, chênh lệch mức sống của người dân thu hẹp đáng kể.

Mặc dù không đưa ra mục tiêu phát triển cụ thể đến năm 2035, nhưng trong một phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói: nước này “hoàn toàn có thể tăng gấp đôi tổng lượng kinh tế hoặc thu nhập bình quân đầu người vào năm 2035”.

Những thách thức đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc

Các mục tiêu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra trong lĩnh vực kinh tế, mà cụ thể là GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng trong việc "cơ bản hoàn thành hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa", đồng thời có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng đối với sự trỗi dậy của chính Trung Quốc và cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, đây cũng được đánh giá là những mục tiêu đầy tham vọng, do vậy theo nhận định của các chuyên gia Trung Quốc, nước này sẽ phải đối mặt với những “thách thức to lớn”.

Có phân tích cho rằng, để tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người vào năm 2035, Trung Quốc sẽ phải đạt mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm khoảng 4,78%. Để GDP bình quân đầu người đạt được mức của các nước phát triển trung bình, tốc độ tăng trưởng hàng năm của nước này cũng phải đạt 4,8%.

Trong khi đó, với tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng trong tương lai của Trung Quốc dựa trên cơ cấu kinh tế và động lực kinh tế hiện nay, nước này sẽ rất khó có thể đạt được tốc độ tăng trưởng như mong muốn vào năm 2035 một cách tự nhiên. Trong 15 năm tới, đặc biệt là 5 năm tới, nếu không tiến hành những cải cách lớn, tái cấu trúc lớn và điều chỉnh chiến lược lớn thì nước này sẽ khó đạt được mục tiêu tăng gấp đôi vào năm 2035.

Bên cạnh đó, môi trường chính trị toàn cầu hiện nay không hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc. Mặc dù vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhau về kinh tế, song cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục diễn ra khốc liệt trong hàng loạt lĩnh vực, như công nghệ, quân sự, ý thức hệ. Một mặt trận chống Trung Quốc đang được Mỹ thiết lập trên toàn cầu.

Trong khi tập trung “luyện nội công” bằng nhiều biện pháp cải cách để phát triển kinh tế và ổn định xã hội trong nước, Trung Quốc cũng đang phải tìm cách phá vỡ vòng vây và trận địa do Mỹ dựng lên để cô lập mình.

Bên cạnh quyết tâm và ý chí chính trị, Trung Quốc còn cần một chiến lược đối nội đối ngoại hệ thống, bài bản, vừa quyết đoán, vừa thận trọng, mới có thể đạt các mục tiêu kinh tế đề ra.

Những tác động đối với thế giới và khu vực

Trong lịch sử, sự thịnh suy của Trung Quốc luôn lan xa ra ngoài biên giới, tạo ra những chấn động mạnh mẽ đối với bên ngoài, và ngày nay cũng vậy.

Mục tiêu "cơ bản hoàn thành hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035" mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra, được giới quan sát nhận định là thuật ngữ dùng để chỉ việc vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế số một thế giới.

Trên thực tế, không cần phải đợi đến năm 2035, nhiều dự báo cho rằng, chỉ cần đến năm 2028 hoặc chậm nhất là 2030 Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ về kinh tế.

Những thay đổi này đã, đang và sẽ có tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến kinh tế thế giới và khu vực, ví dụ như tác động đến các định chế tài chính quốc tế sau khi vị thế và vai trò của Trung Quốc tại các tổ chức này được nâng cao; hình thành nên các cuộc cạnh tranh và chạy đua giữa Trung Quốc với các cường quốc khác và điều này hiện đang xảy ra; các nền kinh tế mới nổi ngày càng có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, do nước này là đối tác thương mại lớn nhất và đầu mối kết nối với các nước lớn đang phát triển...

Riêng đối với ASEAN, vị thế kinh tế mới của Trung Quốc cũng sẽ làm cho sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa Trung Quốc và ASEAN ngày càng gia tăng. Hiện ASEAN và Trung Quốc đang là đối tác thương mại số 1 của nhau.

Nhìn chung, sẽ rất khó để dự đoán một cách cụ thể và chính xác về những tác động đối với thế giới và khu vực sau khi Trung Quốc xác lập được vị thế kinh tế của mình trên trường quốc tế. Tuy nhiên, có một điều có thể khẳng định, đó là khu vực và thế giới cần một Trung Quốc với vai trò là một nước lớn có trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế và với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia láng giềng./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại