Nhiều nông dân Afghianistan đã quá quen với tập quán canh tác cây thuốc phiện. Ảnh: Reuters
Vài ngày qua, các đại diện của Taliban đã tới các khu làng ở tỉnh miền nam Kandahar – khu vực sản xuất thuốc phiện lớn nhất ở Afghanistan, thông báo với người dân về quyết định cấm trồng cây thuốc phiện.
Trước đó, tại cuộc họp báo ở Kabul hôm 18/8, phát ngôn viên của Taliban, ông Zabiullah Mujahid, tuyên bố chính quyền mới ở Afghanistan sẽ không cho phép buôn bán thuộc phiện.
Theo cư dân ở các tỉnh Kandahar, Uruzgan và Helman, giá thuốc phiện thô đã tăng gần gấp 3 lần, từ 70 USD lên 200 USD/kg.
Còn ở tỉnh miền bắc Mazar-e-Sharif, giá cũng đã tăng gấp đôi. Nguyên nhân chủ yếu là do tương lai không chắc chắn của ngành sản xuất này ở Afghanistan khi Taliban nắm quyền. Thuốc phiện thô là nguồn nhiên liệu chủ chốt để giới sản xuất, buôn bán ma túy chế ra heroin.
Các nước phương Tây cho rằng Taliban là bên hưởng lợi lớn từ ngành sản xuất, buôn bán ma túy, sử dụng việc đánh thuế với người trồng, sản xuất thuốc phiện ở Afghanistan.
Taliban trong hai thập kỉ qua đã thành lập “chính quyền ngầm” cấp địa phương trên khắp cả nước, xây dựng một nền kinh tế song song với Kabul, nhưng chỉ dựa vào buôn bán ma túy và buôn lậu các mặt hàng nhiên liệu, tiêu dùng.
Quốc gia Nam Á này chiếm 80% sản lượng thuốc phiện bán phi pháp ra toàn cầu. Afghanistan cũng là nơi sản xuất ma túy đá (methamphetamine).
Mùa trồng loại cây “chết người” này chỉ còn một tháng nữa là bắt đầu. Trước quy định mới này, người nông dân ở nhiều tỉnh thành chắc hẳn sẽ không vui, nhưng cũng sẽ phải tuân thủ nếu Taliban kiên quyết thực hiện lệnh cấm.
“Chúng tôi không thể chống lại quyết định của Taliban. Họ là chính quyền. Taliban cũng nói là khi cấm trồng thuốc phiện, họ sẽ tìm ra loại cây trồng thay thế, ví như cây nghệ tây để lấy nhụy hoa”, một người nông dân ở Kandahar nói.
Trong những năm 1990, Taliban lúc đầu cũng cấm sản xuất thuốc phiện, nhưng sau đó nới lỏng dần, chỉ còn trừng phạt tiêu thụ thuốc phiện, không cấm trồng và buôn bán thuốc phiện.
Nhưng đến năm 2000, Taliban lại mạnh tay diệt trừ trồng thuốc phiện vì muốn tìm kiếm sự chấp thuận quốc tế đối với chính quyền do Taliban điều hành, cùng với đó là nguồn tài trợ từ nước ngoài.
Thu hoạch mủ thuốc phiện ở một khu làng thuộc tỉnh Nangarhar, Afghianistan. Ảnh: Getty Images
Theo Vanda Felhab-Brown, học giả cao cấp tại Viện Brookings (Mỹ), ở thời điểm đó sản lượng thuốc phiện giảm 90%.
Tuy nhiên, tổn thất chính trị mà Taliban phải gánh chịu cũng không nhỏ. Đến mùa xuân năm 2001, nông dân Afghanistan phớt lờ lệnh cấm. Đó cũng là lý do khiến đông đảo người dân nước này không đứng về phía Taliban khi Mỹ mở cuộc can thiệp quân sự.
Sau khi lật đổ Taliban, Mỹ từng đổ khoảng 9 tỉ USD vào Afghanistan trong nhiều năm, nhằm chặn đứng nguồn cung thuốc phiện từ quốc gia Nam Á này ra thế giới. Các kế hoạch được thực hiện thông qua các khoản tài trợ từ Bộ Ngoại giao và Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA).
Nhưng Washington cũng buộc phải dừng hoạt động này vào năm 2010, một phần là bởi nỗ lực của Mỹ đẩy một bộ phận lớn nông dân Afghanistan quay sang ủng hộ, gia nhập phe Taliban.
Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cũng từng mở các dự án khuyến khích nông dân chuyển hướng trông cây nghệ tây, hạt dẻ, lựu đỏ, nhưng cũng không đạt kết quả, vì không có đầu ra.
Đến năm 2020, tiện tích đất trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan đã tăng gấp 4 lần so với năm 2002. Nhiều nông dân đã quá quen với tập quán canh tác cây thuốc phiện, trong khi việc sản xuất, tiêu thụ lại quá dễ dàng.
Lệnh cấm trồng thuốc phiện mới lần này nếu triển khai đại trà cũng sẽ giúp Taliban được lòng nhiều nước, đặc biệt là châu Âu, Nga, Iran - những thị trường lớn với nguồn thuốc phiện, heroin từ Afghanistan.
Nhưng ngược lại, Taliban sẽ mất đi nguồn thu quan trọng, trong bối cảnh dòng viện trợ nước ngoài khan hiếm, tài sản của Afghanistan ở các ngân hàng nước ngoài bị phong tỏa, đóng băng. Nền kinh tế Afghanistan đứng bên bờ sụp đổ, với nhiều hệ quả bất ổn xã hội đến từ khủng hoảng kinh tế.