Những ngày qua, việc Grab tuyên bố khấu trừ 10% thuế Giá trị gia tăng (VAT) của mỗi cuốc xe bên cạnh khoản phí nền tảng không đổi đã thổi bùng sự bất mãn trong đội ngũ các tài xế công nghệ, đặc biệt là những đối tác sử dụng xe máy. Đỉnh điểm, ngày 7/12, hàng loạt tài xế công nghệ đã tuyên bố tắt ứng dụng, tuần hành để phản đối quy định này.
Trong thông báo chính thức được gửi vào chiều tối cùng ngày, phía Grab cho biết họ tuân thủ theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Cụ thể, quy định nêu rõ 10% thuế VAT được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của các đối tác tài xế. Khẳng định tiêu chí tuân thủ quy định của Pháp luật Việt Nam, Grab cho biết họ cũng đã chủ động tham gia góp ý và trình bày cụ thể về Nghị định tới cơ quan thuế nhưng chưa có phản hồi.
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty luật BASICO, cho rằng vấn đề nằm ở sự chưa rõ ràng trong Nghị định mà Bộ Tài chính ban hành. Cụ thể, theo ông Đức, trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề, cần xác định những đặc thù để từ đó đưa ra cách khấu trừ chính xác nhất.
"Nếu không thể xác định được khấu trừ, sẽ dẫn tới tình trạng đánh thuế VAT như đánh thuế doanh thu. Ví dụ, trong mua bán vàng, nếu đánh thuế VAT trên doanh số thì cả thị trường sẽ sập. Chính vì thế, cần có những hướng dẫn khác về Nghị định này", ông Đức chia sẻ.
Đối với trường hợp của các tài xế Grab, ông Đức cho biết chi phí mà công ty Grab bỏ ra để vận hành sẽ không nhiều. Trong khi đó, chi phí của các tài xế lại rất lớn. Họ phải bỏ phương tiện, trả tiền xăng xe, bỏ công sức trên mỗi cuốc xe. Nếu vẫn đánh thuế 10% tổng cuốc xe mà không có các khoản khấu trừ thì thuế này không còn là VAT nữa mà nó giống thuế doanh thu.
"Đối tượng bị động chạm, bị tổn thương rõ ràng nhất là những người nghèo, những người phải bỏ công sức lao động để kiếm đồng tiền. Tự dưng nguồn thu của họ bị giảm đi một khoản thì họ phản đối cũng là đúng đắn", Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty luật BASICO.
Để giải quyết bài toán khó cho những người lao động, ông Đức cho rằng cần phải xem xét lại chính sách thuế chứ "không thể cào bằng thế này được". Nếu nhà nước vẫn áp dụng mức thuế này, cần có khấu trừ xăng xe và các khoản chi phí khác cho tài xế. Nếu không thể xác định các khoản chi phí này bằng sổ sách, chứng từ thì có thể khoán.
"Tài xế có rất nhiều khoản chi và thực sự rất khó cho ngành thuế để có thể khấu trừ chi tiết. Để giải quyết vấn đề này, có thể khấu trừ theo hình thức khoán. Xăng xe, công sức, khấu hao, vé, phí… có thể được tính và giảm cho tài xế ở một mức xác định giống như mức khấu trừ 11 triệu, người phụ thuộc giảm trừ 4,5 triệu của thuế thu nhập", ông Đức nêu ý kiến.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang gây ra những tác động với nền kinh tế Việt Nam dù số ca mắc được không chế, Luật sư Lương Thanh Đức cho rằng nhà nước cần họp nhanh, quyết định sớm. Trước những bất cập hiện tại, có thể cho lùi thời gian áp dụng. Nếu tiếp tục triển khai thì cần có quy định truy thu.
"Trong bối cảnh dịch bệnh, không thể đối xử với người lao động, người khó khăn như thế này được", ông Đức chia sẻ.