Theo Ancient Origins, một hộp sọ ngậm viên gạch lớn đã gây chú ý đặc biệt bởi Cơ quan Giám sát khảo cổ Venice (Ý) trong cuộc khai quật tại di tích thời Trung Cổ Nuovo Lazzaretto, nằm ở ngoại ô TP Venice. Đó là cách người ta từng làm với những người bị coi là ma cà rồng.
Phân tích cho thấy hộp sọ này thuộc về một người phụ nữ đã khoảng 60 tuổi, qua đời vào thế kỷ thứ XVI.
Theo ông Cicero Moraes, chuyên gia phục dựng chân dung pháp y, người đứng đầu dự án "tái sinh" nữ "ma cà rồng" này, người chết có thể đã bị quy kết là thủ phạm gây ra dịch bệnh tàn phá khu vực.
Từ thế kỷ thứ XIV, bệnh dịch hạch đã càn quét châu Âu thời Trung Cổ và liên tục bùng phát lại nhiều đợt cho đến thế kỷ XVII.
Tại nơi hộp sọ được khai quật từng tọa lạc một viện điều dưỡng từ thế kỷ thứ XIV, bên cạnh là các ngôi mộ tập thể chôn cất nạn nhân của đại dịch.
Nỗi sợ hãi "cái chết đen" đã khiến người dân nơi đây đối xử cực đoan với một số người mà họ tin là thuộc về những thế lực xấu, gây ra dịch bệnh.
Một số câu chuyện về ma cà rồng thời Trung Cổ trong khu vực cho rằng ma cà rồng là thủ phạm gây ra bệnh dịch hạch bằng cách cắn người khác.
Phân tích cho thấy viên gạch đã được nhét vào miệng người chết một cách có chủ ý, vì lời đồn mê tín thời bấy giờ cho rằng điều này sẽ ngăn "ma cà rồng" cắn người khác, từ đó ngăn chặn việc người này trỗi dậy và tiếp tục lan truyền bệnh, hoặc tấn công những người khác trong hố chôn.
Bản thân người bị quy kết là ma cà rồng có các triệu chứng như dịch hạch nhưng bị cho là chỉ giả vờ bệnh để trà trộn.
Kết quả "tái sinh" cho thấy "nữ ma cà rồng" là một phụ nữ có khuôn mặt thon, mái tóc bạc buông thẳng. Phần còn lại của cơ thể bà đã bị lẫn lộn với các hài cốt khác trong hố chôn tập thể.
Các phân tích khác cũng cho thấy người phụ nữ thuộc tầng lớp thấp trong xã hội, thể hiện qua khẩu phần ăn chỉ gồm ngũ cốc và rau quả.