Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Current Biology, các nhà khoa học Trung Quốc đã tái hiện thành công dung nhan của Chu Vũ Đế, cũng như tìm ra chân tướng của nghi án cho rằng ông đột ngột qua đời năm 36 tuổi.
Chu Vũ Đế là hoàng đế thứ 3 của triều Bắc Chu ở Trung Quốc cổ đại. Ông cai trị những năm 560-578 sau Công Nguyên, tham vọng thống nhất Trung Nguyên đã sắp thành thì qua đời.
Sau cái chết đột ngột của Chu Vũ Đế, con trai ông lên kế vị - lấy hiệu là Chu Tuyên Đế - nhưng chỉ cai trị được 4 năm thì nhường ngôi cho con trai mới 6 tuổi là Chu Tĩnh Đế, người nhanh chóng bị soán vị bởi Tùy Văn Đế.
Theo Live Science, một trong những lý do các nhà khoa học trích xuất DNA từ hài cốt Chu Vũ Đế để nghiên cứu là cố tìm ra lời giải cho kỳ án 1.500 tuổi. Nhiều nhà sử học nghi ngờ vị hoàng đế này bị đầu độc.
Mộ của Chu Vũ Đế được phát hiện năm 1996, chứa hài cốt với hộp sọ gần như hoàn chỉnh, đủ tốt để trích xuất DNA.
Kết quả phân tích đã hoàn toàn loại bỏ nghi vấn Chu Vũ Đế bị đầu độc mà chỉ rõ ra rằng ông đã qua đời sau một cơn đột quỵ.
Thú vị hơn, họ cũng tái hiện sống động chân dung của vị hoàng đế cổ đại, với các đặc điểm khuôn mặt giống người Bắc và Đông Á ngày nay.
Nghiên cứu cũng xác định Chu Vũ Đế thuộc về một nhóm dân tộc Tiên Ti, một dân tộc du mục sống ở khu vực ngày nay là Mông Cổ và rìa phía Bắc Trung Quốc. Người Tiên Ti trong quá khứ đã di cư về phía Nam và hòa trộn dòng máu với người Hán.
Theo đồng tác giả Shaoqing Wen từ Đại học Phúc Đán (Trung Quốc), ngoài giúp hiểu thêm các chi tết về Chu Vũ Đế, các phát hiện cũng đem đến thông tin quan trọng về cách người cổ đại lan rộng ở thảo nguyên Á - Âu và cách họ hòa nhập với người dân địa phương.
Phân tích mới về cái chết của Chu Vũ Đế cũng phù hợp với các ghi chép lịch sử về những ngày cuối đời của ông, cho biết ông đột ngột mắc chứng mất ngôn ngữ - tức mất khả năng hiểu hoặc diễn đạt lời nói - mi mắt sụp, dáng đi bất thường...
Ngày nay, chúng ta hiểu rằng đó chính là những triệu chứng báo động một cơn đột quỵ.