Tại sao Việt Nam tính việc xuất khẩu huyết tương khi luôn thiếu máu và kêu gọi người hiến?

Xuân Phương |

"Dư luận đừng hiểu lầm xuất khẩu huyết tương là bán cho nước ngoài. Hoàn toàn không phải như vậy" - Giám đốc BV Truyền máu giải thích.

Sở dĩ có thắc mắc này, vì trước đó Bác sĩ CKII Phù Chí Dũng, Giám đốc BV Truyền máu - Huyết học TP HCM, cho biết Ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM có thể xuất khẩu huyết tương.

Mới đây, Bệnh viện (BV) Truyền máu - Huyết học TP HCM, công bố ngân hàng máu của BV đạt chứng nhận GMP (Good Manufacturing Practice - thực hành sản xuất tốt) châu Âu. Theo bác sĩ Dũng, đây kết quả của một sự nỗ lực không mệt mỏi cả tập thể BV suốt 5 năm.

Ngoài việc xây dựng ngân hàng máu đạt các yêu cầu của quốc gia, nhiều năm qua, BV đã chuẩn bị về mọi mặt, từ con người đến trang thiết bị, cơ sở vật chất, quy trình tiêu chuẩn nghiêm ngặt… để được Cơ quan An toàn thực phẩm - Y tế thuộc Bộ Y tế Cộng hòa Áo chính thức cấp chứng nhận giá trị này.

Tại sao Việt Nam tính việc xuất khẩu huyết tương khi luôn thiếu máu và kêu gọi người hiến? - Ảnh 1.

Với chứng nhận GMP châu Âu, BV Truyền máu - Huyết học TP có thể hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng chính sách GMP tại Việt Nam; hỗ trợ các trung tâm truyền máu trong cả nước xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn và mở ra cơ hội hợp tác quốc tế. 

Việt Nam sẽ xuất khẩu huyết tương sang châu Âu, sau đó nhập khẩu các sản phẩm điều trị với giá thành rẻ, phù hợp hợp người bệnh trong nước. Đây cũng là mục tiêu để BV Truyền máu - Huyết học TP tiến tới xây dựng ngân hàng máu mới với tổng công suất 1 triệu đơn vị máu/năm đạt chuẩn GMP.

Được biết, ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM là ngân hàng máu đầu tiên của Việt Nam vừa đạt chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices - thực hành sản xuất tốt) châu Âu.

Giám đốc BV Truyền máu: Đừng hiểu lầm xuất khẩu huyết tương là bán cho nước ngoài

Trả lời câu hỏi: "Suốt thời gian qua, Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu máu trầm trọng, vậy tại sao lại tiến hành xuất khẩu huyết tương?".

Bác sĩ Dũng cho hay: "Trước hết, dư luận đừng hiểu lầm xuất khẩu huyết tương là bán cho nước ngoài. Hoàn toàn không phải như vậy".

Trước hết, cần hiểu máu có nhiều thành phần và huyết tương chỉ là một thành phần của máu.

"Thông thường, máu toàn phần sau khi được thu nhận từ người hiến sẽ được bảo quản và vận chuyển nghiêm ngặt đến ngân hàng máu. Ngân hàng máu nhận nguồn máu hiến toàn phần (chứa hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương…) sẽ đem quay ly tâm, tách ra thành ba chế phẩm máu gồm: hồng cầu lắng (điều trị cho bệnh nhân thiếu máu), tiểu cầu pool lọc bạch cầu (cho bệnh nhân chảy máu như sốt xuất huyết) và huyết tương tươi.

Riêng huyết tương tươi, ngân hàng máu tiếp tục điều chế ra thêm hai chế phẩm máu cho người bệnh sử dụng là: kết tủa lạnh (chứa yếu tố VIII điều trị cho bệnh nhân máu khó đông - Hemophilia A) và huyết tương đông lạnh (chứa yếu tố IX, điều trị cho bệnh nhân máu khó đông nhóm Hemophilia B).

Tuy nhiên, hai chế phẩm từ huyết tương tươi này thường chỉ dùng cho người bệnh nhẹ. Trường hợp bệnh nhân nặng như chảy máu ở những vị trí não, xuất huyết cơ vùng cổ, não, xuất huyết đường tiêu hóa, vùng bẹn... buộc phải sử dụng các chế phẩm yếu tố VIII, yếu tố IX từ huyết tương nhập khẩu", bác sĩ Dũng phân tích.

Tại sao Việt Nam tính việc xuất khẩu huyết tương khi luôn thiếu máu và kêu gọi người hiến? - Ảnh 2.

Các túi máu tại ngân hàng máu Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM.

Việt Nam chưa sản xuất được các chế phẩm từ huyết tương chứa yếu tố VIII, yếu tố IX

Cũng theo Giám đốc BV Truyền máu - Huyết học TP HCM, hiện nay Việt Nam có khoảng 6.000 người bị bệnh máu khó đông. Các bệnh nhân này phải sử dụng kết tủa lạnh và huyết tương đông lạnh suốt đời. 

Nhiều bệnh nặng buộc phải nhập các sản phẩm từ nước ngoài, lý do bởi ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM chưa sản xuất được các chế phẩm từ huyết tương chứa yếu tố VIII, yếu tố IX như các nước tiên tiến trên thế giới. 

Việt Nam đang phải sử dụng các yếu tố đông máu VIII, IX và albumin, gamma globulin từ huyết tương dư của các nước phát triển.

Đấy là chưa kể ở Việt Nam hiện chưa có nhà máy sản xuất được các chế phẩm này, tất cả các chế phẩm từ huyết tương này hiện trong nước phải nhập khẩu để điều trị cho người bệnh. Giá thành các chế phẩm này rất mắc (giá thành Albumin, Gammaglobulin đến vài triệu đồng/lọ).

Tại sao Việt Nam tính việc xuất khẩu huyết tương khi luôn thiếu máu và kêu gọi người hiến? - Ảnh 3.

Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM. Ảnh: Tiền Phong.

"Ở các nước, ngân hàng máu đạt chuẩn GMP châu Âu sẽ không dùng huyết tương tươi để sản xuất chế phẩm kết tủa lạnh và huyết tương đông lạnh. 

Huyết tương được chuyển qua một nhà máy đạt chuẩn sản xuất ra tiếp các chế phẩm như: yếu tố VIII, yếu tố IX, Albumin (điều trị trong các trường hợp giảm albumin do suy thận, xơ gan, bệnh nhân suy dinh dưỡng bị phù, phù màng tim, màng phổi không thở được), Gammaglobuline (điều trị bệnh tay chân miệng, suy giảm miễn dịch,…).

Nếu ngân hàng máu không đạt chuẩn GMP châu Âu thì các nước trên thế giới sẽ không nhận huyết tương tươi từ Việt Nam để sản xuất ra các chế phẩm này", bác sĩ Dũng nói.

Giảm nhiều chi phí trong điều trị cho người bệnh

Theo bác sĩ Dũng, với việc được chứng nhận chuẩn GMP châu Âu, Ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM có thể xuất khẩu nguồn huyết tương đạt chuẩn sang các nước châu Âu để sản xuất các chế phẩm trên. Sau đó, chế phẩm được chuyển về lại trong nước để sử dụng trong điều trị. 

Nếu điều đó xảy ra sẽ giúp giá thành của sản phẩm nhập về này rẻ hơn nhiều lần, vì điều chế từ nguồn nguyên liệu có sẵn, so với nhập hoàn toàn. Như vậy, sẽ giảm được rất nhiều chi phí trong điều trị của bệnh nhân.

Cũng theo Giám đốc BV Truyền máu - Huyết học TP HCM, tất cả việc "xuất khẩu" huyết tương ra nước ngoài sản xuất, nhập về đều phải do Bộ Y tế, Sở Y tế và các ban ngành liên quan quản lý, theo đúng quy định, chứ không phải thuộc quyền tự quyết của BV Truyền máu - Huyết học TP HCM.

Được biết, Ngân hàng máu Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM là một trong 5 ngân hàng lớn nhất cả nước, cung cấp máu cho các bệnh viện tại thành phố và một số tỉnh lân cận. Năm 2018, cơ sở này tiếp nhận 230 nghìn lượt hiến với trên 260 nghìn đơn vị máu, điều chế hơn 700 nghìn chế phẩm máu phục vụ người bệnh.

Ngày 9/4, đại diện Bộ Y tế cũng lên tiếng sau khi dư luận đặt vấn đề thắc mắc là "tại sao Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu máu trầm trọng mà lại tiến hành xuất khẩu huyết tương?"

Đại diện Bộ Y tế cho biết huyết tương chỉ là một trong những thành phần của chế phẩm máu. Sau khi nhận máu toàn phần từ người hiến, cơ sở y tế sẽ tiến hành tách chiết và sản xuất ra các thành phần máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, các yếu tố đông máu và huyết tương). Huyết tương là một trong những thành phần còn lại của máu sau khi sản xuất ra các chế phẩm máu phục vụ công tác điều trị người bệnh.

Việc chế huyết tương để tiếp tục phục vụ người bệnh phải sử dụng công nghệ tiên tiến hoặc sẽ phải tiêu huỷ với một số sản phẩm máu bệnh lý.

Tuy nhiên, để có thể sử dụng nguồn huyết tương này, một số cơ sở đề xuất được nghiên cứu, điều chế ra các sản phẩm khác để phục vụ cho y học.

Hiện ở một số nước phát triển họ đã điều chế nguyên liệu huyết tương thừa để phục vụ điều trị và một phần trong chế phẩm huyết tương có thể bào chế ra một trong những thành phần của vắc-xin viêm gan B.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại