Các nhà phân tích thị trường dầu mỏ của Mỹ và châu Âu đang hướng hy vọng vào kịch bản giá dầu hồi phục từ nhu cầu gia tăng tại châu Á. Ngay cả các thiết chế tài chính toàn cầu như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều thống nhất cho rằng tương lai kinh tế và cầu năng lượng tại châu Á chắc chắn không thể bỏ qua Trung Quốc và mới đây nhất là Ấn Độ.
Sau nhiều thập kỉ ưu tiên cho các nền kinh tế phương Tây, giới sản xuất dầu mỏ, khí đốt trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hướng nguồn lực đầu tư và các chiến lược năng lượng để chiếm giữ các thị trường mới nổi này. Trước khi COVID-19 bùng phát, Trung Quốc đã là một trung tâm thương mại, đầu tư và ảnh hưởng địa chính trị toàn cầu. Dù vẫn có những thông tin cảnh báo về tình hình kinh tế, tài chính xấu đi ở Trung Quốc, đại bộ phận các nhà đầu tư và giới vận hành thị trường vẫn coi đại lục là mục tiêu đầu tư hàng đầu. Căng thẳng gia tăng ở Biển Đông cùng với những tác động tiêu cực từ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) không làm các nước và các tập đoàn xuyên quốc gia ngắt kết nối, giao dịch kinh tế với Trung Quốc.
Các nhà sản xuất OPEC không phải là ngoại lệ, khi không thể miễn nhiễm trước ảnh hưởng từ Bắc Kinh, với việc 50% tổng số đầu tư của khu vực này đổ vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc, bất luận ra sao, sẽ luôn là một đối tác quan trọng xét đến quy mô dân số, ảnh hưởng kinh tế, chính trị. Rồi đại dịch xuất hiện và gây ra những tác động toàn cầu mà dường như chỉ xuất hiện trong kịch bản các bộ phim kinh dị của Hollywood hay báo cáo của các tổ chức tư vấn độc lập. Không ai nghĩ sự tình lại như hiện nay. Khi phải đối mặt với sự thật, hệ quả đã vượt quá tính toán của tất cả mọi người.
Hiện chưa thể kiểm chứng được mức độ tổn thất thực sự mà COVID-19 gây ra, chủ yếu là chưa thể lượng định khoản tiền hàng nghìn tỉ USD mà các chính phủ bơm ra để cứu các doanh nghiệp. Nhưng các quan hệ địa chính trị và các tuyến trao đổi thương mại đã có sự thay đổi đáng kể. Vòng cung ảnh hưởng của Trung Quốc hiện ít nước theo kịp và giờ là lúc các nước nhận ra mối nguy hiểm của việc lệ thuộc quá nhiều và chỉ vào một nước đối trong vấn đề thương mại và an ninh quốc tế. Sự thiếu vắng khả năng kháng cự của hệ thống kinh tế toàn cầu, nhất là về sản xuất và thương mại, sẽ gây tác động tiêu cực cho Trung Quốc trong những năm tới đây. Cần phải có một khả năng đàn hồi dựa trên một hệ thống kinh tế đa dạng mới đủ sức chống lại hay làm dịu các cuộc khủng hoảng toàn cầu, dịch bệnh toàn cầu trong tương lai.
Đối với các nhà sản xuất dầu mỏ, nhất là khối Arab trong OPEC và Nga, lệ thuộc vào Trung Quốc và coi đây là người cứu cánh cho các kế hoạch sản xuất trong tương lai là trò chơi mạo hiểm. Tương tự như việc các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ đã quá lệ thuộc vào kho chứa Cushing ở Oklahoma và phải trả mức giá quá đắt khi dầu WTI giảm sâu, có thời điểm rớt xuống mức giá âm khi Cushing cạn kiệt năng lực tiếp nhận, các nước xuất khẩu dầu ở Trung Đông, Vùng Vịnh cũng đã bị giáng một đòn mạnh khi cầu năng lượng của Trung Quốc sụp đổ.
Xu hướng tới đây, vốn đã manh nha xuất hiện trong các nước lớn thuộc OECD, sẽ là đánh giá lại các dự án đầu tư hoặc các kế hoạch tài chính hiện thời, thiết lập các trung tâm sản xuất ngoài Trung Quốc hoặc đưa công nghiệp và sản xuất trở lại nước bản địa. Biện pháp này nghe không khác so với chính sách “nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump. Nhưng nhiều đảng phái chính trị tại châu Âu xem đây là điều cần thiết để tạo đối trọng trước ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc.
Đường hướng “Đưa châu Âu vĩ đại trở lại” (MEGA) khởi nguồn việc thiếu hụt nguồn sản phẩm từ Trung Quốc đã tạo ra sức hút nhất định tại châu Âu. Các ngành công nghiệp như chế tạo ô tô, hóa chất y tế đang xem xét lại quan hệ với Trung Quốc. Nhiều cuộc thảo luận đã được xúc tiến với mục tiêu đưa các cơ sở sản xuất trở lại châu Âu, hoặc thiết lập các cứ điểm mới đặt ở Ấn Độ, Ai Cập hay một số các nước khác đáp ứng các điều kiện về nguồn lực công nghệ cao, trình độ đào tạo, giá nhân công thấp.
Các nhà chiến lược trong OPEC cũng cần lùi lại một bước và đánh giá lại mối quan hệ với Trung Quốc khi tính đến các lợi ích kinh tế. COVID-19 đã làm thay đổi quan hệ quốc tế, chủ nghĩa dân tộc đã chiếm ưu thế trong vận hành chính sách kinh tế tại hai trung tâm lớn nhất thế giới là Mỹ và EU. Nếu không đề ra được chiến lược đúng, OPEC sẽ còn phải đối mặt với những hậu quả tệ hơn trong tương lai từ việc nhu cầu năng lượng của Trung Quốc suy giảm tiếp. Nhu cầu dầu mỏ, khí đốt trong tương lai không nên chỉ đặt cược vào một mình Trung Quốc.