ICP thấy rằng tổng thu nhập thực tế (được điều chỉnh theo lạm phát) của Trung Quốc lớn hơn một chút so với Hoa Kỳ. Theo sức mua tương đương (PPP), GDP năm 2017 của Trung Quốc là 19,617 nghìn tỷ USD, trong khi Hoa Kỳ đứng ở mức 19,519 nghìn tỷ USD.
Tất nhiên, khi tổng thu nhập của Trung Quốc được chia cho dân số khổng lồ, bức tranh sẽ thay đổi. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc đã vượt lên trên Ai Cập, nhưng nó vẫn ở nhóm trung bình trên toàn cầu, sau Brazil, Iran, Thái Lan và Mexico.
Trong mọi trường hợp, hai khái niệm - tổng thu nhập và thu nhập bình quân đầu người - mỗi khái niệm đều có ý nghĩa riêng biệt về mặt địa chính trị, vì vậy người ta phải xem xét chúng một cách riêng biệt.
Trung Quốc muốn được đối xử như một quốc gia đang phát triển (ít nhất là trong các cuộc đàm phán thương mại) và con số thu nhập bình quân đầu người theo tính toán của ICP cũng cho thấy chính xác là như vậy. Nhưng khi nói đến chính trị quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc trong các tổ chức quốc tế, tổng thu nhập quan trọng hơn.
ICP so sánh các quốc gia trên cơ sở ngang giá sức mua, đây là phương pháp phù hợp khi tính toán thu nhập bình quân đầu người , nhưng có khả năng gặp vấn đề khi đánh giá sức mạnh địa chính trị. Cách tiếp cận tốt hơn sẽ là so sánh GDP quốc gia theo tỷ giá hối đoái thực tế. Trong trường hợp đó nền kinh tế Hoa Kỳ, hóa ra, vẫn vượt xa Trung Quốc.
Khi ICP công bố báo cáo cuối cùng cách đây 6 năm, họ đã tạo ra một cơn sốt truyền thông. Financial Times đưa tin: "Trung Quốc đã sẵn sàng vượt qua Hoa Kỳ trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trong năm nay".
Những biện pháp ước lượng của ICP, liên quan đến các dữ liệu năm 2011, cho thấy GDP của Trung Quốc đang tăng nhanh so với Hoa Kỳ. Ngay sau đó, đã có báo cáo rằng sự giao nhau giữa hai nền kinh tế đã thực sự diễn ra, ít nhất là theo thống kê tăng trưởng quốc gia được nội suy giữa các tiêu chuẩn ICP 6 năm.
Nhưng, một lần nữa, những phát hiện đó được dựa trên việc đọc dữ liệu theo hình thức ngang giá sức mua. Vấn đề, quen thuộc với các nhà kinh tế quốc tế, là sản lượng của Trung Quốc và Hoa Kỳ được đo bằng loại tiền tệ tương ứng của chính đất nước họ. Nên xử lý dữ liệu ra sao có thể so sánh được?
Giải pháp rõ ràng là sử dụng tỷ giá hối đoái hiện hành: nhân GDP tính theo đồng CNY của Trung Quốc với tỷ giá USD/CNY, để GDP Trung Quốc được biểu thị bằng đơn vị USD. Theo các số liệu mới nhất, nền kinh tế Hoa Kỳ (19,519 nghìn tỷ USD) vẫn lớn hơn 50% so với Trung Quốc (12,144 nghìn tỷ USD), theo số liệu mới nhất.
Ngược lại, đo lường GDP theo ngang giá sức mua sẽ phù hợp để so sánh mức sống hơn. Bởi lẽ, nó cho thấy thực tế là nhiều hàng hóa và dịch vụ ở Trung Quốc rẻ hơn so với ở Hoa Kỳ. Nói chung, một đồng CNY chi tiêu ở Trung Quốc sẽ mua được nhiều hơn một đồng CNY chi tiêu ở nước ngoài. Cho dù một số hàng hóa giao dịch quốc tế có giá ngang ngửa nhau, thì những dịch vụ như cắt tóc - phi xuất khẩu - rẻ hơn nhiều ở Trung Quốc.
Biện pháp so sánh ngang giá sức mua có nhiều ứng dụng, nhưng đánh giá sức mạnh địa chính trị không phải là một trong số đó. Nó không có ích trong việc trả lời câu hỏi chính mà hầu hết các nhà bình luận quan tâm: Quy mô và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc so với Hoa Kỳ như thế nào trong cuộc đua quyền lực toàn cầu?
Đối với câu hỏi đó, có nhiều cách trả lời phù hợp hơn là so sánh ngang giá sức mua. Ví dụ: Trung Quốc có thể đóng góp bao nhiêu tiền cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các cơ quan đa phương khác, và họ sẽ nhận được bao nhiêu quyền lực bỏ phiếu?
Cho đến nay, Trung Quốc có tầm ảnh hưởng hẹp hơn Hoa Kỳ tại IMF. Nhưng dưới thời Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đang dần từ bỏ ảnh hưởng của mình trong các tổ chức đa phương như Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, NATO và Tổ chức Y tế Thế giới WHO (ngay cả khi xảy ra đại dịch). Không ai ngạc nhiên rằng Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống mà Hoa Kỳ để lại.