Hoàn Châu Cách Cách trở thành ký ức tuổi thơ của nhiều khán giả thế hệ 8X. Tại Trung Quốc, phim được xếp vào hàng kinh điển, là "bảo vật trấn đài" của đài Hồ Nam.
Hoàn Châu Cách Cách có 3 phần khác nhau. Trong tất cả các nhân vật, Tiểu Yến Tử luôn nhận được nhiều sự yêu thích bởi tính cách nhí nhảnh, ngây thơ, thông minh. Tuy nhiên, có một chi tiết về việc học của nhân vật này gây tranh luận: Từ lúc vào cung, Tiểu Yến Tử đã được yêu cầu học thơ cổ để nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, cô đã không thuộc lòng một bài thơ nào từ đầu đến cuối trong hơn 20 năm. Bạn có thấy cực kì vô lý?
Tiểu Yến Tử có ngốc không? Tất nhiên là không.
Thực ra, trước khi vào cung, Tiểu Yến Tử đã từng dạy trẻ con trong khu nhà xập xệ học thuộc "Tam tự kinh", lúc đó cô thuộc lòng rất nhanh, đọc rất trôi chảy, giống như là một người thầy thực thụ. Cô hoàn toàn có khả năng học thuộc.
Hơn nữa, khi Tiểu Yến Tử đi ăn trộm đồ ở nhà của quan tham nhũng tại Đại Lý Tự, cô đã vác về một bao vàng bạc châu báu, khi ra về nhìn thấy trên bàn có một đôi nến long phượng, cô lập tức quyết định mang theo, bảo là sẽ đem về cho trẻ con ở khu nhà xập xệ để tối tối chúng dùng để học hành viết chữ. Điều này cho thấy tiềm thức của Tiểu Yến Tử coi việc học hành, viết chữ là rất quan trọng.
Một người nếu có khả năng học hỏi, và nhận thức được tầm quan trọng của việc học, có động lực nội tại, nếu môi trường thuận lợi, lẽ ra phải như cá gặp nước mà tiến bộ vượt bậc. Nhưng tại sao Tiểu Yến Tử lại không thể học thuộc một bài thơ trong suốt hai mươi năm?
Thực ra, câu trả lời cho câu hỏi này đã có ngay từ phần 1 của bộ phim.
01
Cùng xem một số tình tiết về việc Tiểu Yến Tử học thuộc thơ
Có lần, Tiểu Yến Tử lén ra khỏi cung gặp Tử Vi, nửa đêm mới quay lại. Lúc này, Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ nói rằng nếu Hoàng thượng hỏi, cô hãy nói là ra ngoài xem trăng học thơ, Vĩnh Kỳ lập tức dạy Tiểu Yến Tử học thuộc bài "Nguyệt hạ độc chước" của Lý Bạch.
Thực ra lần này Tiểu Yến Tử học rất nhanh, chỉ cần đọc một lượt đã thuộc ngay.
Nhưng Hoàng đế Càn Long hoàn toàn không tin những gì họ nói.
Kết quả là, ngày hôm sau Tiểu Yến Tử bị gọi đến để huấn luyện. Cô làm nũng với Càn Long, khen ngợi vài câu, không những không bị trách phạt, mà còn khiến Càn Long yêu thích cô hơn, và cô càng được tự do hơn.
Sau đó, Càn Long nói nếu Tiểu Yến Tử không học thuộc bài "Cổ từ quân hành", cô không thể theo ông đi du ngoạn. Lúc này, cả nhóm đã cùng nhau giúp Tiểu Yến Tử học thuộc thơ, thậm chí nghĩ ra chiêu kết hợp thơ với kiếm phổ.
Khi Càn Long kiểm tra, Tiểu Yến Tử hết sức cố gắng, nhưng chỉ học thuộc nửa bài. Bất ngờ là, Tiểu Yến Tử không chỉ được đi du ngoạn cùng, mà còn đưa theo cung nữ, trên đường chơi vui vẻ và còn tranh thủ tìm hiểu chuyện tình cảm.
Nói đến đây, đừng trách Tiểu Yến Tử, một người hoàn toàn có khả năng học hỏi mà suốt hai mươi năm không học thuộc nổi một bài thơ, vì vào những thời điểm quan trọng, việc học thuộc thơ không có tác dụng gì. Không học thuộc thơ, không những không phải chịu hậu quả mà còn nhận được những lợi ích lớn.
02
Con "hư" tại... cha
Cả bộ phim, Tiểu Yến Tử đều sống trong một vòng luẩn quẩn "Học thơ, không học thuộc cũng chẳng phải chịu trách nhiệm, còn được thưởng thêm".
Mỗi nhân vật trong nhóm chính của "Hoàn Châu cách cách" đều có sự trưởng thành, Tử Vi học được cách sống trong cung đình, Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ đã lập được công trạng và bước vào con đường trưởng thành...
Chỉ có Tiểu Yến Tử, vẫn là cô gái ngây thơ, suốt hai mươi năm không học thuộc nổi một bài thơ, lúc nào cũng làm hỏng việc. Tiểu Yến Tử không từ chối việc học thơ, mà là từ chối sự trưởng thành.
Tại sao mọi người đều tích cực trưởng thành, còn Tiểu Yến Tử thì không?
Sự trưởng thành của Tử Vi giúp cô nhận được tình yêu thương của hoàng đế và sự khen ngợi từ mọi người; Nhĩ Khang và Vĩnh Kỳ lập công giúp họ thực hiện được giá trị bản thân. Còn Tiểu Yến Tử, trong hai phần đầu, dù cô không học thuộc thơ, không trưởng thành, giữ nguyên tình trạng hiện tại, Hoàng đế vẫn yêu thích cô, tình yêu và tương lai đều có sẵn.
Điều này cũng dẫn đến việc, khi gặp phải cuộc khủng hoảng thực sự, cô không thể đối phó, hoàn toàn lúng túng và không biết cách giải quyết.
Tiểu Yến Tử không trưởng thành trong suốt hai mươi năm, người chịu trách nhiệm đầu tiên đương nhiên là cô ấy. Môi trường tạo nên con người, nhưng bản thân cũng có thể tạo nên chính mình. Tuy nhiên, Tiểu Yến Tử đã có tính cách như vậy, rất khó thay đổi.
Người chịu trách nhiệm thứ hai là Càn Long.
Trong phần 1 của "Hoàn châu cách cách", Tiểu Yến Tử khoảng 18 tuổi, độ tuổi quan trọng để trưởng thành.
Mỗi lần cô làm sai, không học thuộc thơ, Càn Long chỉ trách mắng vài câu, nhưng Tiểu Yến Tử hoặc dùng sự thông minh và vui vẻ của mình, hoặc nhắc lại những khó khăn cô đã trải qua khi còn ở ngoài dân gian, khiến Càn Long cảm thấy thương tiếc không phạt nữa, thậm chí còn yêu thích cô hơn.
Trong một tình tiết của phần 1, Càn Long giao Tiểu Yến Tử cho Dung ma ma học quy củ, Tiểu Yến Tử không chịu học, Càn Long đã đánh cô hai mươi cái, nhìn có vẻ nghiêm khắc, nhưng sau lần đó, Càn Long lại đặc cách cho Tiểu Yến Tử không cần phải tuân thủ quy củ trong cung, vẫn theo kiểu "nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng vẫn nhận được phần thưởng".
Tiểu Yến Tử tuy có vẻ ngây thơ, nhưng thực ra cô đã nắm rõ điểm yếu của vua cha là thích những người biết xu nịnh và thương tiếc cô vì những khó khăn cô đã chịu đựng ngoài đời, mỗi lần cô đều tận dụng hai điểm này để hóa giải nguy cơ và nhận được lợi ích.
Tóm lại, sự nuông chiều của Càn Long đã khiến Tiểu Yến Tử mất đi nhiều cơ hội trưởng thành.
03
Tiểu Yến Tử giống một số đứa trẻ ngày nay
Có không ít phụ huynh nuông chiều và thỏa mãn mọi nhu cầu của con ở bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, những đứa trẻ được sống trong sự bao bọc, nuông chiều quá mức sẽ hình thành nên tính cách bướng bỉnh, ỷ lại và thiếu đi những kĩ năng sống cần thiết.
Không xây dựng sự kỷ luật hoặc giới hạn lành mạnh cho con cái có thể khiến sau này chúng trở thành người lớn vô kỷ luật. Điều này có thể bao gồm việc bố mẹ không giao việc nhà cho trẻ hoặc nhượng bộ mỗi khi trẻ nhõng nhẽo, giận dữ...
Trẻ con rất thông minh, chúng nhìn thấy cha mẹ mềm lòng, không nỡ để chúng chịu khổ, vì vậy chúng sẽ lợi dụng điểm yếu của họ, càng ngày càng quá quắt.
Việc thiếu kỷ luật dạy cho trẻ em rằng chúng không cần phải tuân theo các quy tắc. Khi các quy tắc không được thực thi, trẻ em bắt đầu tin rằng các quy tắc này không áp dụng cho chúng. Chúng sẽ nghĩ rằng chúng được nằm ngoài các quy tắc và cho rằng chúng đặc biệt hơn những người khác.
Thực ra, đôi khi để trẻ em tự chịu trách nhiệm và nếm chút khó khăn trong cuộc sống không phải là điều xấu.
Nếu cha mẹ cứ mãi làm theo ý thích, không để con cái phải chịu hậu quả, chúng sẽ giống như Tiểu Yến Tử, chỉ biết dùng cách lấy lòng cha mẹ để làm vui lòng họ, từ đó mất đi những cơ hội trưởng thành quý giá.