Tên lửa không đối đất tầm xa Taurus được trưng bày tại Pyeongtaek, Hàn Quốc năm 2017. Ảnh: AFP
Trong khi thái độ lưỡng lự của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang khiến Kiev không hài lòng, có một số lý do khiến Berlin phải thận trọng. Đối với những người chưa qua đào tạo, khó có thể phân biệt được hai loại tên lửa này.
Chúng đều được phóng từ máy bay chiến đấu, đều dài khoảng 5 mét và nặng gần như nhau: tên lửa Storm Shadow của Anh - Pháp nặng 1.300 kg và Taurus của Đức nặng hơn 1.400 kg. Mỗi tên lửa có tầm bắn khoảng 500 km và có đầu đạn rất giống nhau – 450 kg đối với Storm Shadow và 461 kg đối với Taurus.
Tại sao Đức lại do dự?
Theo Fabian Hoffmann, một nghiên cứu sinh tiến sĩ và chuyên gia về tên lửa tại Đại học Oslo, vấn đề là về ngòi nổ.
Đầu đạn của Storm Shadow sử dụng Hệ thống kích hoạt ngòi nổ đa ứng dụng (MAFIS), trong đó độ trễ giữa lúc va chạm và phát nổ đầu đạn được cài đặt thủ công. Điều đó gây khó khăn cho việc nhắm mục tiêu chính xác vào các vật thể phức tạp như những cây cầu lớn, vì đầu đạn trước tiên cần phải xuyên qua nền đường tương đối mỏng trước khi phát nổ để phá hủy mục tiêu thực sự – cột/trụ bê tông giữ toàn bộ cấu trúc cầu.
Taurus có thể giải quyết vấn đề đó vì đầu đạn MEPHISTO của nó được trang bị ngòi nổ được gọi là PIMPF (Ngòi nổ đa mục đích thông minh được lập trình), có thể xuyên qua các lớp vật liệu và khoảng trống, do đó có khả năng phá hủy những mục tiêu nhiều lớp một cách hiệu quả hơn.
Chuyên gia Hofmann nêu rõ: "Do đó, một tên lửa được trang bị ngòi nổ PIMPF có thể gây ra thiệt hại mà trước đây chỉ có thể đạt được khi thả hai quả bom tấn công chính xác trở lên”. Ông lưu ý rằng nếu Ukraine sở hữu tên lửa Taurus, họ có thể tấn công một cách hiệu quả cây cầu Kerch nối Nga với Crimea.
Tên lửa Taurus gắn trên máy bay chiến đấu. Ảnh: mbda-systems.com
Đó là mục tiêu quan trọng đối với Ukraine, nước đã nhiều lần tìm cách đánh sập cây cầu có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động hậu cần của Nga và quyền kiểm soát Crimea của Moskva.
Nhưng đó cũng chính là lý do Thủ tướng Đức Scholz do dự cung cấp Taurus cho Ukraine. Gần đây, ông gọi kịch bản Ukraine sử dụng tên lửa của Đức để đánh sập cây cầu là “sự leo thang xung đột”. Ông Scholz nói thêm rằng trách nhiệm với tư cách thủ tướng là đảm bảo Đức không trở thành một phần của cuộc xung đột.
Những lo lắng khác
Đây không phải là vấn đề duy nhất gây lo ngại ở Berlin. Storm Shadow và Taurus đều sử dụng hệ thống lập bản đồ đường viền địa hình để duy trì lộ trình trong môi trường có GPS kém. Berlin lo ngại rằng tên lửa Taurus sẽ cần dữ liệu bản đồ địa hình tới các mục tiêu được Đức lập trình trong hệ thống dẫn đường của họ.
Gustav C. Gressel, một thành viên chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho biết: “Ukraine sẽ cần nhiều dữ liệu địa lý hơn để phóng Taurus hơn Storm Shadow. Việc huấn luyện binh lính Ukraine về quy trình này mất nhiều thời gian hơn vì nó phức tạp hơn”.
Ngoài ra, Đức cũng lo ngại tên lửa Taurus có thể rơi vào tay Nga. Trong khi Paris và London đang phát triển một loại tên lửa thay thế trong tương lai thì Đức có kế hoạch tiếp tục sử dụng Taurus cho đến giữa thế kỷ này.
Chuyên gia Hoffmann nhấn mạnh, thay vì phát triển tên lửa "kế nhiệm" Taurus, loại vũ khí này sẽ được nâng cấp, dù không làm thay đổi phần cứng của tên lửa nhưng sẽ tích hợp GPS tốt hơn và các bản cập nhật phần mềm khác để có khả năng cao hơn. Cho đến lúc đó, Taurus vẫn là vũ khí tấn công tầm xa thực sự duy nhất mà Đức có.
Theo chuyên gia Gressel, Chính phủ Đức và ngành công nghiệp quốc phòng nước này lo rằng Nga sẽ biết và vô hiệu hóa Taurus. Taurus cũng được thiết kế đặc biệt để chống lại các hệ thống phòng không của Nga như Pantsir và S-400, khiến quân đội Nga đặc biệt quan tâm khi có thể thu giữ hệ thống này.
Tuy nhiên, bất chấp sự lo ngại của Thủ tướng Scholz, áp lực phải nhượng bộ đang ngày càng lớn đối với ông. Các nghị sĩ cấp cao trong ủy ban quốc phòng của Quốc hội Đức và trong đảng Dân chủ Xã hội của ông Scholz đang hối thúc thủ tướng thay đổi lập trường ngay lập tức.