Cờ NATO, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan. Ảnh minh hoạ: Reuters
Theo đài RT (Nga), hồi tháng 5/2022, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã phản đối yêu cầu gia nhập NATO của cả Thụy Điển và Phần Lan. Hai quốc gia Bắc Âu này đã đệ đơn xin gia nhập khối quân sự phương Tây sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Đến tháng 4 năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đề xuất của Phần Lan. Tuy nhiên, cùng với Hungary – một thành viên khác của NATO, Ankara đã tiếp tục trì hoãn đơn xin gia nhập liên minh của Thụy Điển. Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Stockholm phải hành động nhiều hơn để trấn áp Đảng Công nhân người Kurd (PKK) – tổ chức mà Ankara coi là khủng bố.
Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đang khiến Washington các thành viên NATO khác không hài lòng. Các nhà phân tích phân tích lo ngại chúng có thể khiến mối quan hệ của phương Tây trở nên căng thẳng hơn.
Thụy Điển và Phần Lan đã nhượng bộ điều gì?
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Thuỵ Điển và Phần Lan. Đồng thời, phía Thuỵ Điển cũng chấp thuận thực hiện các biện pháp chống lại các thành viên của đảng Công nhân người Kurd. Năm ngoái, Stockholm cũng đã bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu thiết bị quân sự sang Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không tiết lộ chi tiết về công ty hoặc sản phẩm.
Vào tháng 6, Thuỵ Điển cũng đã đưa ra dự luật chống khủng bố mới quy định việc trở thành thành viên của một tổ chức khủng bố là bất hợp pháp.
Phản ứng trước những lời chỉ trích ở Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia có đa số người Hồi giáo khác, Bộ trưởng Tư pháp Gunnar Strommer tuyên bố Thụy Điển đang xem xét thay đổi luật để ngăn chặn người dân đốt kinh Koran ở nơi công cộng.
Về phần mình, Phần Lan năm ngoái đã đồng ý xem xét cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong từng trường hợp cụ thể. Sau gần một năm chờ đợi, Ankara cho biết họ đã đạt được tiếng nói chung với Helsinki.
Phản ứng của các thành viên NATO khác
Quang cảnh phiên họp Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Tại hội nghị NATO hồi tháng 7, khi Tổng thống Erdogan ra tín hiệu “bật đèn xanh” cho phía Thụy Điển, Canada cũng đã lặng lẽ đồng ý nối lại các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu linh kiện máy bay không người lái (UAV), bao gồm cả thiết bị quang học.
Hà Lan cũng dỡ bỏ hạn chế vận chuyển vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng trong tháng 7, sau cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố khối này sẽ thành lập đội đặc nhiệm chống khủng bố. Vào tháng 10, ông bổ nhiệm Trợ lý Tổng thư ký Thomas Goffus vào vị trí này.
Một ngày sau khi ông Erdogan bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập NATO, Nhà Trắng cho biết họ sẽ xúc tiến chuyển giao F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ với sự tham vấn của Quốc hội.
Đến tháng 10, ông Erdogan đã gửi đề xuất gia nhập NATO của Thụy Điển tới Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để xem xét. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này nói rằng Washington đang liên kết việc phê chuẩn F-16 với việc kết nạp Thụy Điển vào NATO
Ankara đã bày tỏ yêu cầu mua chiến đấu F-16 vào năm 2021. Tuy nhiên, quốc gia này đã vấp phải sự phản đối của Quốc hội Mỹ về việc Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn mở rộng NATO.
Tiến trình gia nhập NATO của Thuỵ Điển
Thụy Điển và Phần Lan đồng thời nộp đơn xin gia nhập NATO vào ngày 18/5/2022. Ảnh minh họa: AP
Ủy ban đối ngoại của Quốc hội sẽ tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo về dự luật thành viên của Thụy Điển ngay trong tuần tới. Nếu dự luật được thông qua theo dự kiến, toàn bộ đại hội đồng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức bỏ phiếu, có thể trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.
Các ngoại trưởng NATO sẽ nhóm họp tại Brussels vào ngày 28-29/11 tới. Hungary cũng chưa phê chuẩn hồ sơ gia nhập khối của Thụy Điển.
Ngày 14/11, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ nói với người đồng cấp Thụy Điển rằng họ hy vọng sẽ hoàn tất việc phê chuẩn “càng sớm càng tốt”.
Kể từ khi đệ trình dự luật lên Quốc hội vào tháng 10, Tổng thống Erdogan cho biết ông sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phê chuẩn, nhưng nói thêm rằng Stockholm vẫn chưa thực hiện đủ hành động chống lại phiến quân người Kurd.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng cuộc chiến của Israel chống lại nhóm chiến binh Hamas ở Gaza có thể làm căng thẳng mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ, khiến tiến trình mở rộng NATO trở nên phức tạp hơn.
Sau khi ông Erdogan tuyên bố Hamas không phải là một tổ chức khủng bố mà là một nhóm giải phóng chiến đấu để bảo vệ vùng đất của người Palestine, 47 thành viên Quốc hội Mỹ đã kêu gọi chính quyền buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm vì đã hỗ trợ Hamas.