Một thống kê mới đây do Cancer Research UK thực hiện đã chỉ ra một sự thật: Nam giới có nguy cơ hình thành ung thư cao hơn hẳn so với phụ nữ.
Cụ thể hơn, mỗi năm riêng tại Anh, có khoảng 179.000 nam giới nhận phải tin sét đánh: mắc ung thư, trong khi ở nữ là 173.000. Điều này xét cho cùng cũng không lạ, vì nam giới thường hình thành những thói quen không tốt cho sức khỏe, như hút thuốc... nhiều hơn so với nữ giới.
Nhưng vấn đề ở đây còn nằm ở tỉ lệ tử vong. Cũng theo thống kê của Cancer Research UK trên 15 loại ung thư khác nhau, kết quả đã cho thấy nam giới có tỉ lệ tử vong cao hơn nữ tới 36%.
Nguyên nhân hóa ra thật trớ trêu: vì chủ quan. Cụ thể hơn, nam giới thường không để tâm tới những dấu hiệu bất ổn về sức khỏe, có xu hướng lảng tránh bệnh viện, bác sĩ... trong khi phụ nữ thì ngược lại.
Điều này đồng nghĩa với việc họ được chẩn đoán ung thư (nếu có) muộn hơn bình thường. Mà chắc bạn cũng biết rồi, những căn bệnh phát triển với tốc độ nhanh khủng khiếp như ung thư thì chữa được sớm một ngày thôi cũng có thể cho kết quả thực sự khác biệt.
Theo tiến sĩ John Chisholm - chủ tịch diễn đàn Sức khoẻ Nam giới: "Ung thư da là một trong những dạng ung thư phổ biến hơn ở nữ giới, nhưng hoá ra nhiều đàn ông chết vì nó hơn. Có nhiều lý do, một phần là vì nam giới không cảnh giác với những triệu chứng của ung thư".
Ông cho biết thêm: "Nam giới thường trì hoãn đi kiểm tra sức khỏe - có lẽ là vì họ lo lắng trước kết quả có thể xảy ra hơn, đồng thời ít khi họ chịu tìm đến bệnh viện".
Ung thư không chừa một ai
Tuy nhiên, lý do một phần cũng vì hệ thống y tế tại nhiều quốc gia hiện nay. Theo một nghiên cứu vào năm 2013 trên 1000 nam giới mắc ung thư tuyến tiền liệt tại châu Âu, 8/10 người không được hỗ trợ về mặt tâm lý sau điều trị.
Theo tiến sĩ Frances Goodhart tại Cancer Survivor’s Companion (Anh): "Tất cả các dịch vụ chủ yếu tập trung hơn cho phụ nữ. Các bằng chứng đều chỉ ra rằng phụ nữ dễ dàng chấp nhận và nói ra những vấn đề của bản thân hơn là nam giới".
Trong khi đó, nam giới dường như ngại ngùng hơn, khó mở lòng, dù tỉ lệ trầm cảm là như nhau.
Nam giới thường ít chịu mở lòng, chấp nhận chuyện đi khám hơn nữ giới
Có thể lấy ví dụ về Peter Jackson - huấn luyện viên bóng đá tại thành phố Lincoln. Jackson đã trì hoãn việc khám bệnh, để rồi phát hiện ra mình bị ung thư vòm họng vào năm 2008. Ông trở nên tuyệt vọng, không muốn chữa trị, và chỉ nhận được sự hỗ trợ duy nhất từ vợ mình.
Và may mắn thay, ông có một người vợ tuyệt vời. Vợ ông, bà Alison Jackson, đã bất chất sự ngăn cản của chồng, gọi xe cấp cứu khi sức khoẻ của ông xấu đi. Đến nay, ông đã khỏi bệnh, đồng thời khiến các chuyên gia phải đặt dấu hỏi về vai trò của tâm lý nam giới trong việc khám chữa bệnh.
Nhưng tóm lại, chúng ta nên rút được ra một kết luận thực sự rõ ràng: ngay khi thấy các dấu hiệu bất ổn, hãy đi khám trước khi quá muộn.
Nguồn: Daily Mail