Con chó trong gia đình của chúng ta có một mí mắt phụ khá đáng chú ý, mí mắt này đặc biệt rõ ràng khi nó ngủ gật. Đây là tấm màn thịt nhìn thấy ở khóe mắt, gần mũi nhất. Nó còn thường được gọi là mí mắt nictating hoặc màng nháy.
Nhưng cấu trúc bất thường này thực sự làm gì? Và tại sao chúng ta không có nó?
Mí mắt thứ ba thường quét theo hướng ngang trên mắt, thay vì theo chiều dọc như mí mắt trên và dưới. Chúng thực sự là một nếp gấp chuyên biệt của kết mạc – màng mỏng, ẩm bao phủ lòng trắng. Chúng được tìm thấy ở nhiều loài động vật có vú, chim, bò sát, các loài lưỡng cư và cá cũng có thể có mí mắt thứ ba.
Cấu trúc của mí mắt thứ ba ở chúng cũng khác nhau - ở nhiều loài, bộ xương sụn giúp nâng đỡ mí mắt thứ ba, trong khi những loài khác lại chứa các tuyến tiết ra nước mắt. Sự biến đổi này có lẽ giúp động vật thích nghi với nhiều môi trường khác nhau.
Một số nghiên cứu khác nhau đã kiểm tra mí mắt thứ ba để giúp hiểu rõ vai trò của chúng ở loài nhím, chuột túi và gấu nâu.
Và nghiên cứu đã chỉ ra rằng mí mắt thứ ba có chức năng giống như mí mắt trên và dưới. Nó bảo vệ mắt và quét sạch mọi mảnh vụn xâm nhập. Nó cũng phân phối nước mắt trên bề mặt mắt, giữ ẩm và ngăn ngừa hình thành vết loét. Điều này đặc biệt quan trọng ở những loài chó đầu ngắn (mặt phẳng), như chó pug và chó King Charles spaniel.
Trong thế giới hoang dã
Cả động vật nuôi và động vật hoang dã (bao gồm các loài thuộc họ chó, mèo và ngựa) đều sở hữu mí mắt thứ ba giúp che mắt và bảo vệ mắt khỏi các vật thể lạ. Động vật hoang dã thậm chí có thể cần chúng nhiều hơn vì môi trường hoang dã vố có bản chất khắc nghiệt hơn.
Việc ngăn chặn và loại bỏ các mảnh vụn rơi vào mắt là rất quan trọng đối với các loài động vật sinh sống ở sa mạc như lạc đà, nơi cát và bụi bẩn có thể làm hỏng mắt. Mí mắt thứ ba của chúng trong suốt và điều này giúp lạc đà duy trì được tầm nhìn giữa cơn bão cát trong khi che mắt chúng lại.
Ở những vùng đất hoang, lợn đất cũng có mí mắt thứ ba, có lẽ để bảo vệ mắt khi chúng đi tìm côn trùng.
Mí mắt thứ ba có thể bảo vệ khỏi nước và một lớp màng mờ có thể hỗ trợ tầm nhìn dưới nước của động vật thủy sinh, bao gồm cả lợn biển. Các loài cá mập lớn hơn (ví dụ như cá mập xanh) thường bảo vệ mắt bằng mí mắt thứ ba khi săn mồi và kiếm ăn.
Đối với các loài chim, dòng không khí chuyển động nhanh có thể gây tổn hại không kém. Vì vậy, ở các loài chim săn mồi như chim ưng, mí mắt được sử dụng khi bay nhanh trong quá trình săn mồi. Thông thường, những cơn gió giật sẽ khiến mí mắt thứ ba nhấp nháy ở những loài chim này (bao gồm cả cú) như một phản xạ bảo vệ tự nhiên.
Ở các vùng cực, nơi cảnh quan trắng xóa phản chiếu ánh sáng Mặt Trời, tia cực tím có thể làm hỏng mắt. Điều này có thể dẫn đến mất thị lực tạm thời – một tình trạng được gọi là mù tuyết. Vì vậy, có thể một số động vật Bắc Cực như gấu Bắc Cực có mí mắt thứ ba hấp thụ tia UV.
Mất tiến hóa
Con người và hầu hết các loài linh trưởng (ngoại trừ vượn cáo và calabar angwantibo, thuộc họ Lorisidae) đã tiến hóa đến mức không cần đến mí mắt thứ ba. Mắt của con người và linh trưởng ít bị tổn thương do săn bắn, cạnh tranh và môi trường. Thêm vào đó, mắt con người rất nhạy cảm và có thể nhận biết cũng như ứng phó với nguy hiểm bằng cách nhắm lại nhanh hơn.
Nhưng mí mắt thứ ba không hoàn toàn biến mất. Con người có tàn tích của nó được gọi là plica semilunaris. Nếp gấp hình trăng lưỡi liềm này cũng có thể được nhìn thấy ở khóe mắt chúng ta.
Một số nhà khoa học cho rằng plica semilunaris vẫn có thể giúp chảy nước mắt vì nó hai ống dẫn nhỏ ở góc mí mắt của chúng ta, cho phép nước mắt dư thừa và cũ thoát vào khoang mũi. Điều đó giải thích tại sao bạn lại bị sổ mũi khi khóc.
Tham khảo: Iflscience