Trong phim chưởng Hong Kong, Trung Quốc chúng ta vẫn bắt gặp các nhân vật đi mây về gió, thoắt ẩn thoắt hiện, công lực thâm hậu thậm chí làm nổ tung cả quả núi. Trong phim Mỹ có siêu nhân, dị nhân, người dơi hay các siêu anh hùng đạn bắn không chết, bay nhảy từ nóc toà nhà chọc trời này sang nóc toà nhà chọc trời khác...
Nhưng không mấy khán giả lấy làm lạ vì họ biết rõ đó là phim giả tưởng, hư cấu.
Còn phim Ấn Độ cũng như vậy lại bị gọi là "bẻ cong" mọi định luật vật lý.
Điều đó không có gì ngạc nhiên khi trong một bộ phim hiện thực bỗng nhiên một anh cảnh sát có thể phi thẳng xe ô tô qua cả đoàn tàu đang chạy mà không hề hấn gì, một nhân vật chính bị đám đông đối thủ bao vây, chĩa thẳng súng vào người tưởng chết đến nơi rồi vậy mà có thể hút được tất cả viên đạn và... tung trở lại khiến đối thủ ngả như rạ.
Phim Ấn Độ bắt đầu sản xuất phim từ năm 1912 nhưng cho đến tận những năm gần đây, nhiều bộ phim Ấn Độ vẫn mang nhiều yếu tố hoang đường và ngay cả một số khán giả Ấn Độ cũng bắt đầu chán nản vì điều này.
Nguyên nhân được cho là ngân sách làm phim hạn hẹp trong khi trình độ kỹ xảo máy tính (CGI) không được như phim Hollywood do đó phim Ấn Độ phải "bẻ cong" các định luật vật lý để vừa đạt được mục tiêu làm được các bộ phim hành động kịch tính, vừa trong khuôn khổ ngân sách cho phép.
Chẳng hạn việc quay cảnh nhân vật chính tấn công đứt cổ đối thủ bằng một quả chuối dễ dàng và nhanh hơn là đánh đấm, vật lộn một hồi đối thủ mới ngã lăn ra.
Bởi vậy, các "siêu nhân" trong phim Ấn Độ xuất hiện. Ban đầu mọi người thấy thích thú, nhưng sau đó các đạo diễn chiều khán giả quá đà dẫn đến chế vào quá nhiều những cảnh phi lý, hoang đường.
Cộng với số lượng phim ra mắt mỗi năm quá lớn (bạn có tin không, Ấn Độ là đất nước đa văn hoá, mỗi ngôn ngữ có ngành giải trí riêng và mỗi ngành cho ra đến hơn 150 phim mỗi năm, đưa tổng số phim một năm của Ấn Độ lên đến gần 1000 bộ phim). Các phim cố gắng bắt chước những pha hành động giống nhau. Họ không thể dừng được việc này bởi vì ngân sách chưa bao giờ được cải thiện.
Về phía khán giả, như chúng ta thấy dân số Ấn Độ đến cả tỉ người. Theo truyền thông Ấn Độ, những khán giả thích thưởng thức những cảnh phim hành động ảo tưởng, phi thực tế là "đại chúng". Họ là những người lao động vất vả cả ngày.
Rất nhiều người trong số đó mù chữ. Nhưng họ là đối tượng khán giả mục tiêu bởi vì số lượng rất lớn. Trong khi đó, các khán giả ít hơn, là những người có học thức, ngày nay kén chọn phim hơn.
Cho nên cân đối ngân sách và khán giả, phim có những cảnh hành động phi lý vẫn tiếp tục được cho ra lò hằng năm. Cũng nên lưu ý rằng phim ảnh là để giúp khán giả giải trí. Nó không buộc phải tuân thủ các định luật vật lý.