Đúng ngày này hơn 2.000 năm trước, Caesar đã chết thảm vì 23 nhát dao "ám muội"

Gohan |

Công lao của Caesar cho nền Cộng hòa La Mã là không thể phủ nhận, tuy nhiên, vẫn có những con người đối nghịch và họ quyết tâm giết hại ông vì mục đích khác.

Julius Caesar (100TCN-N) có thể coi vừa là một vị tướng, vừa là một nhà chính trị kiệt xuất và cũng có thể là một nhà độc tài của La Mã. Nhưng hơn cả thế, ông chắc chắn là một trong những người đàn ông có ảnh hưởng lớn nhất tới tiến trình lịch sử thế giới.

Với Caesar, La Mã vươn đến đỉnh cao của mình, đế chế này ngày một hùng mạnh, khuất phục hầu hết các khu vực lớn nhỏ xung quanh. Thậm chí, với tài năng quân sự của mình, Julius Caesar còn được xếp ngang với những thiên tài như Alexander Đại Đế, Hannibal và cả Napoleon.

Caesar sinh ra trong một gia đình có chút quan hệ đến chính trường La Mã, cũng từ đây, ông dần dần đi những bước đầu tiên trong con đường quân sự-chính trị của mình. Bắt đầu với chức vụ quan coi quốc khố, dần dần, Caesar leo lên được những nấc cao hơn như quan thị chính, pháp quan...

Đúng ngày này hơn 2.000 năm trước, Caesar đã chết thảm vì 23 nhát dao ám muội - Ảnh 1.

Caesar và quân sĩ xung quanh. Ảnh: ThoughtCo

Đỉnh điểm, sau cuộc nội chiến với Pompey - người được Viện nguyên lão ủng hộ, ông tự phong mình là quan chấp chính tối cao. Đây chính là lúc nhà độc tài của Cộng hòa La Mã chính thức hiện ra.

Caesar tận dụng tối đa quyền hành trong tay để thực hiện hàng loạt chuyện quan trọng ví như việc cải cách trong chế độ, giảm một phần nợ cho dân chúng, mở rộng Viện nguyên lão, xây quảng trường Iulium...

Đến năm 44 TCN, Caesar một lần nữa bước lên vũ đài lịch sử khi nhận tước vị Thống lĩnh tối cao trọn đời (Dictator Perpetuus). Nhưng chính giữa thời kỳ cực thịnh, nhà quân sự-chính trị này lại gặp phải bất trắc khiến ông không thể trở mình.

Đúng ngày này hơn 2.000 năm trước, Caesar đã chết thảm vì 23 nhát dao ám muội - Ảnh 2.

Trải qua hàng trăm trận đánh và vô số những âm mưu hiểm ác nơi chính trường, Caesar đã tôi luyện được bản lĩnh mạnh mẽ và sự tự tin vô bờ. Nhưng hiếm có người nào, thậm chí ngay cả bản thân Caesar có thể ngờ rằng, chính những phẩm chất ấy, một ngày nào đó lại vô tình hại chết ông.

Caesar dường như biết rõ về sự thù địch của những người trong Viện nguyên lão nhưng hơn hết ông vẫn tự tin vào mình. Vợ của ông nói rằng đã gặp ác mộng và mơ thấy Caesar chảy máu đến chết trong vòng tay cô ấy. Thật không may, ông không tin vào những điềm báo đó.

Mark Anthony - một vị tướng trung thành với Caesar cũng có dự cảm không lành và ra sức ngăn cản chủ tướng của mình khi ông nhận được lời mời đến nhà hát Pompey để xem xét một lá đơn thỉnh cầu trao trả quyền lực cho Viện nguyên lão. Nhưng ông cũng không nghe.

Đúng ngày này hơn 2.000 năm trước, Caesar đã chết thảm vì 23 nhát dao ám muội - Ảnh 3.

Ảnh minh họa. Nguồn: History Hit

Đến ngày 15/3, Caesar đi tới nhà hát Pompey với không nhiều vệ sĩ, điều này cũng không lạ khi ông nổi tiếng là liều lĩnh với an toàn của chính mình, luôn từ chối việc đem theo nhiều vệ sĩ và tuyên bố rằng, bị bao bọc bởi binh sĩ không phải là cuộc sống mà ông muốn.

Đó cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến kẻ thù dám cả gan dàn xếp vụ ám sát này?

Và ngay khi Caesar vừa bước vào nhà hát, một trong những kẻ âm mưu ám sát (có thể là Cimber) đã tiếp cận ông. Hắn giả vờ đưa đơn thỉnh cầu cho Caesar nhưng thực chất lại đang lăm lăm sát khí. Vào thời điểm này, không có bất kỳ vệ sĩ nào, kể cả người hầu hay Mark Anthony, một trong những đồng minh trung thành nhất ở cạnh Caesar.

Họ bị cản trở một cách có mục đích ở cách đó không xa và Caesar bị bỏ lại một mình giữa vòng vây kẻ thù mà hầu như không có chút phòng bị nào.

Theo nhà sử học Hy Lạp Plutarch, một trong những kẻ âm mưu - Casca đã giữ chiếc toga (ao choàng dáng rộng điển hình thời La Mã) của Caesar lại. Caesar đã rất ngạc nhiên và bị sốc bởi hành động của hắn. Nhóm những nguyên lão đó nhanh chóng rút dao từ toga và liên tục đâm vào vị Thống lĩnh tối cao.

Đúng ngày này hơn 2.000 năm trước, Caesar đã chết thảm vì 23 nhát dao ám muội - Ảnh 4.

Bức tranh minh họa vụ ám sát Caesar.

Caesar phải hứng chịu các đòn tấn công ác hiểm từ vô số nguyên lão xung quanh. Hai mươi ba nhát dao được tung ra, vị thống lĩnh vẫn cố gắng vùng ra để chạy trốn nhưng mắt quá mờ do mất máu, áo choàng quá dài khiến người đàn ông này nhanh chóng gục ngã phía bên ngoài nhà hát, ngay sát bức tượng. Ông chết vì mất máu giống đúng như giấc mơ của vợ mình.

Trớ trêu thay, nơi Caesar chút hơi thở cuối cùng lại là dưới chân bức tượng Pompey, kẻ thù một thời không đội trời chung và cũng là bại tướng dưới tay ông trong trận nội chiến La Mã năm nào.

Mỉa mai hơn, điều khiến Caesar đau lòng nhất là trong nhóm những kẻ ám sát ông lại có cả Brutus - người mà Caesar thương yêu như con.

Đúng ngày này hơn 2.000 năm trước, Caesar đã chết thảm vì 23 nhát dao ám muội - Ảnh 5.

Một bức tranh khác tái hiện cảnh ám sát. Nguồn: dailyhistory

Cuối cùng, suốt một đời oanh liệt lăn lộn cả trên chiến trường lẫn chính trường của Caesar lại kết thúc sau 23 nhát dao ám muội, chết bởi chính người mình coi như con và chết ngay dưới chân bức tượng của kẻ thù. Không một người nào có thể chịu đựng được điều đó, nhưng đến phút cuối, Caesar vẫn tin rằng: "Thà chết một lần còn hơn sống liên tục trong nỗi sợ cái chết”.

Hiển nhiên, Caesar không sợ chết, cái ông sợ là một cuộc sống lo âu nơm nớp không khác gì cái chết mà thôi. Và ý chí của ông đã được đền đáp, hai năm sau vụ ám sát, Viện nguyên lão ban cho ông danh hiệu "The Divine Julius” (Julius thần thánh) và Caesar là người La Mã đầu tiên được thánh hóa.

Tham khảo nhiều nguồn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại