Ngay cả trước khi nộp đơn xin vào NATO, Thụy Điển thường xuyên tham gia các cuộc tập trận chung với quân đội các nước NATO. Trong ảnh là lính thủy đánh bộ Mỹ vượt qua một cánh đồng trên đảo Gotland, Thụy Điển, ngày 9/6/2022, trong cuộc tập trận thường niên trên Biển Baltic, BALTOPS 22. Ảnh: NATO
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh đang diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 29/6 đã chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh quân sự .
Động thái trên đánh dấu một trong những thay đổi lớn nhất đối với an ninh châu Âu trong nhiều thập kỷ, theo sau cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine khiến Helsinki và Stockholm từ bỏ truyền thống trung lập.
Tại hội nghị hôm 29/6, các nhà lãnh đạo NATO đã thông qua Khái niệm Chiến lược (Strategic Concept) 2022, một kế hoạch chi tiết cho liên minh trong thập kỷ tới.
Trong văn bản này, NATO viết: “Cánh cửa liên minh vẫn mở đối với tất cả các nền dân chủ châu Âu có chung các giá trị với liên minh chúng tôi”.
Cũng tại hội nghị, NATO đã đồng ý với một gói hỗ trợ dài hạn hơn cho Ukraine, bên cạnh hàng tỷ USD đã cam kết về hỗ trợ vũ khí và tài chính.
Mặc dù NATO cam kết ủng hộ rộng rãi và lâu dài cho Ukraine trong cuộc chiến của nước này chống lại Nga, nhưng cánh cửa liên minh vẫn không mở đối với Kiev.
Cánh cửa không mở
Hồi tháng 2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nhấn mạnh tham vọng của đất nước ông là được gia nhập NATO, một nguyện vọng được ghi trong Hiến pháp Ukraine kể từ năm 2019.
Nhưng đến tháng 3, trong bối cảnh xung đột quân sự ác liệt với Nga, ông Zelenskyy đã lùi bước, đồng thời đưa ra tín hiệu rằng đất nước của ông cần chấp nhận “sự thật” rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO .
"Chúng tôi đã nghe nói trong nhiều năm qua về những cánh cửa được cho là rộng mở" của liên minh NATO, nhưng "chúng tôi cũng đã nghe nói rằng chúng tôi sẽ không thể bước qua cánh cửa đó", nhà lãnh đạo Ukraine cho biết trong một cuộc họp trực tuyến tại London hôm 15/3.
Năm 2008, NATO hứa với Ukraine và Gruzia rằng “một ngày nào đó” họ có thể trở thành thành viên, mà không có mốc thời gian xác định. Nhưng liên minh này đã làm rất ít để thực hiện lời hứa đó, tờ New York Times bình luận.
Việc kết nạp một quốc gia vào NATO cần có sự đồng ý nhất trí của tất cả 30 thành viên. Là một liên minh dựa trên học thuyết phòng thủ tương hỗ, rất khó có khả năng NATO sẽ chấp nhận một quốc gia đang chìm trong xung đột.
Tất nhiên, nếu được gia nhập, không nghi ngờ gì rằng Ukraine sẽ được hưởng lợi từ nguyên tắc phòng thủ tập thể trong Điều 5 của NATO, trong đó quy định rằng, một cuộc tấn công vào một thành viên của NATO đồng nghĩa với một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên của nó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát đi tín hiệu rằng ông coi khả năng trở thành thành viên NATO của Ukraine là một mối đe dọa chiến lược, và nó dường như được coi là một trong những lý do ông phát động cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow ở Ukraine.
Các quan chức Mỹ cho biết, họ sẽ không nhượng bộ ông Putin bằng cách dập tắt tham vọng gia nhập liên minh quân sự NATO của Kiev.
Tuy nhiên, Washington và các đồng minh châu Âu cũng không muốn chọc tức Nga đến mức có thể khiến xung đột leo thang ra bên ngoài Ukraine.
Pháp và Đức, trong số những nước khác, trước đây đã phản đối hoặc hoài nghi về việc đưa Ukraine vào NATO . Và các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden, mặc dù liên tiếp cam kết thêm viện trợ quân sự cho Ukraine, cũng không sẵn lòng ủng hộ tư cách thành viên NATO của Kiev.
Ngay cả khi Ukraine có thể vượt qua những trở ngại trên, nước này có thể phải đối mặt với rất nhiều những thách thức khác.
Vô số thách thức
NATO tuân theo “chính sách mở cửa”, quy định rằng bất kỳ quốc gia châu Âu nào muốn đều có thể gia nhập liên minh, nếu quốc gia đó đáp ứng các yêu cầu nhất định.
Trong số các yêu cầu đó có việc thể hiện cam kết đối với dân chủ, tự do cá nhân và ủng hộ nhà nước pháp quyền.
Mặc dù các nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố rằng đất nước của họ đáp ứng được ngưỡng yêu cầu, một số quan chức Mỹ và châu Âu lại có lập luận trái chiều.
Năm 2020, Tổ chức Minh bạch Quốc tế, một cơ quan giám sát chống tham nhũng, xếp Ukraine thứ 117 trong số 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng, thấp hơn bất kỳ quốc gia NATO nào vào thời điểm đó. Ngược lại, Thụy Điển và Phần Lan là những nền dân chủ lâu đời và ổn định.
Một số quan chức phương Tây cũng đặt câu hỏi liệu Ukraine có thể đáp ứng một tiêu chí khác, trong đó yêu cầu các thành viên đóng góp vào hoạt động phòng thủ tập thể.
Ukraine lập luận rằng họ đã gửi quân đến các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan - và rằng họ đã thể hiện sức mạnh quân sự của mình trong cuộc chiến chống lại sự gây hấn của Nga.
Các nhà quan sát khác cho rằng, bằng cách chống lại Nga, Ukraine cũng đã trở thành hiện thân của trật tự dân chủ tự do mà NATO muốn duy trì.
Nhưng khoảng cách từ đấy đến tư cách thành viên NATO thì vẫn còn rất xa, nhất là trong bối cảnh xung đột với Nga chưa biết bao giờ mới đến hồi kết....