Tại sao nhiều người cho rằng không nên ghép 2 nải chuối để thắp hương?

Nhóm PV/VTC News |

Khi không có nải chuối đủ lớn, một số người mua hai nải ghép lại với nhau trên mâm cúng, trong khi nhiều người lại cho rằng điều này là không nên, tại sao?

Từ xưa đến nay, chuối luôn được xem là một thành phần không thể thiếu trên mâm ngũ quả. Ở nhiều gia đình, chuối đóng vai trò quan trọng trong các dịp lễ tết và tuần rằm. Nải chuối thường được đặt ở vị trí trung tâm trên mâm cúng và ôm lấy các loại quả khác.

Hình ảnh nải chuối gợi sự liên tưởng đến bàn tay của Phật, của thần linh, tổ tiên che chở và bảo vệ gia chủ.

Tại sao không nên ghép 2 nải chuối để thắp hương?

Chính vì chuối có vai trò đặc biệt trong mâm quả nên đôi khi do không mua được nải chuối to, cong như ý muốn, một số người mua hai nải rồi dùng đinh hoặc dây để ghép lại với nhau sao cho đủ to rộng trên mâm bồng và ôm được các quả khác. Trong khi đó, nhiều người khác lại cho rằng làm như vậy là không nên.

Tại sao không nên ghép 2 nải chuối để thắp hương? Đó là vì theo quan niệm âm dương của người phương Đông, số chẵn thuộc âm, số lẻ thuộc dương, là con số tượng trưng cho sự vận động, phát triển. Trong nghi lễ thờ cúng, các lễ vật đều được chuẩn bị theo số lẻ, như số trái cây được bày (mâm ngũ quả với 5 loại trái cây, hoặc nếu cúng một loại thì thường bày 3 - 5 - 7- 9... quả), số bông hoa cắm trên bàn thờ, số nén hương được thắp...

Việc ghép hai nải chuối lại thành một sẽ tạo ra số chẵn, đồng nghĩa với việc tạo ra số âm, không hợp với quan niệm trên.

Tại sao nhiều người cho rằng không nên ghép 2 nải chuối để thắp hương?- Ảnh 1.

Tại sao không nên ghép 2 nải chuối để thắp hương? (Ảnh: Shutterstock)

Xét về thẩm mỹ, việc ghép 2 nải chuối lại thành một có thể khiến cho mâm cúng hoành tráng hơn nhưng sẽ thiếu sự tự nhiên và chắc chắn, dễ dẫn đến rơi, hỏng các quả khác khi thờ cúng, bởi cấu trúc nải chuối khi ghép lại rất khó đứng vững.

Đối với người phương Đông, lễ vật dâng cúng bị rơi là điều kỵ; việc dùng đinh dắt hay dây kim loại để kết nối trái cây cũng được cho là điều kỵ trong phong thủy (kim khắc mộc). Đó cũng là lý do tại sao không nên ghép 2 nải chuối để thắp hương.

Tuy nhiên đây cũng chỉ là một của một số người và không liên quan đến các căn cứ khoa học. Vì vậy trên thực tế, có những người kiêng ghép hai nải chuối để hắp hương, những người khác vẫn làm vậy nếu không có nải chuối đủ lớn. Việc ghép hai nải chuối trên mâm ngũ quả đòi hỏi sự khéo tay, sao cho bảo đảm sự kiên kết và hài hòa với các trái cây khác, tránh xô lệch, rơi vỡ.

Vì sao chuối thắp hương còn nguyên râu lại đắt hơn?

Không phải nải chuối nào cũng được lựa chọn đặt trên ban thờ để cúng tổ tiên. Những nải chuối quả to đều nhau, đẹp và xanh sẽ luôn được ưu tiên hàng đầu. Nải chuối có số quả lẻ sẽ được nhiều người lựa chọn đem thờ cúng nhất.

Nải càng nhiều quả và có số quả lẻ sẽ càng đắt vì chúng tượng trưng cho sự sung túc, sum vầy và đủ đầy. Đặc biệt, nải chuối thờ được coi là đẹp phải còn nguyên râu ở phần rốn quả.

Dân gian cho rằng những nải chuối có quả to, tròn, còn nguyên râu tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, đâm chồi nảy lộc, phát tài phát lộc, đem lại may mắn, thịnh vượng cho gia chủ. Vì thế, nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn để mua những nải chuối đáp ứng tiêu chí này đặt lên bàn thờ.

Mọi người thường có thói quen thắp hương phải kiêng số chẵn, 3 nén hương là thờ Thiên, Địa, Nhân, 5 nén là thờ 5 đức tính của con người là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Số lẻ là tượng trưng cho sự sinh sôi nên từ thắp hương, cắm hoa hay bày trái cây thường người ta đều đều chọn số lẻ.

Cách chọn chuối thắp hương

Chuối thắp hương không nên là chuối chín hẳn vì khi đó quả sẽ dễ bị rụng. Nếu để bày mâm ngũ quả thì phải chọn chuối xanh, già, quả to, xanh, căng bóng và không bị non góc cạnh. Chuối xanh mới đỡ được các quả khác, không xảy ra hiện tượng quả chuối bị gãy, những trái táo, cam... ở phía trên rơi xuống.

Tránh chọn chuối bị sứt sẹo thâm, thiếu quả. Nếu quá trình chặt buồng chuối và tách nải làm sứt sẹo, mất quả thì không nên thắp hương bằng nải chuối đó nữa vì trông nó kém thẩm mỹ, thiếu sự trang trọng, tôn nghiêm cần có của việc thờ cúng.

Dân gian cũng thường tránh những nải cong vẹo, mất cân đối vì nải chuối như vậy vừa không đẹp vừa không mang ý nghĩa tốt về phong thủy. Như đã nói ở trên, phần lớn mọi người cũng không thích nải có số quả chẵn và mất râu, cho rằng mất râu là mất lộc.

Người miền Bắc thường chọn chuối tiêu thắp hương thay vì chuối tây bởi chuối tiêu quả dài cong, ôm được nhiều trái cây khác. Một số địa phương như Huế chọn chuối sứ, chuối ngự, chuối mật để thắp hương vì đó là những loại chuối ngon tiến vua ngày xưa.

Trước khi đưa lên bàn thờ, cần rửa sạch và dùng khăn giấy sạch khô những trái chuối, tránh để nước đọng ở cuống, sẽ nhanh hỏng và thối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại