Tập đoàn đa quốc gia Mitsubishi Heavy Industries đã cắt giảm hơn 80% số lượng người lao động làm việc trên dây chuyền sản xuất của nhà máy ở phía Tây Tokyo trong nỗ lực tự động hóa nhiều hơn nữa nhiều khâu trong quá trình sản xuất.
Và không chỉ Mitsubishi, trước đó, rất nhiều tập đoàn Nhật đã đầu tư mạnh vào công nghệ để tự động hóa nhiều hơn nữa quá trình sản xuất.
Tất cả những nỗ lực trên giải thích tại sao năng suất lao động trong suốt 2 thập kỷ tính đến năm 2014, ngành sản xuất tại Nhật đứng đầu trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7).
Tuy nhiên trong cùng lúc đó, năng suất lao động trong ngành dịch vụ lại chỉ ở mức thấp. Nhân viên nhiều công ty Nhật ngồi nhiều ở văn phòng chứ làm việc lại ít.
Trong bối cảnh dân số Nhật ngày một già và giảm, năng suất lao động cao giữ vai trò cực kỳ quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng và cải thiện đời sống người dân. Một dự báo mới đây cho thấy quy mô lực lượng lao động Nhật hiện ở con số 77 triệu người sẽ có thể teo nhỏ đến 40% sau 40 năm nữa.
Lĩnh vực dịch vụ đóng góp hơn 60% tổng quy mô nền kinh tế, chính vì vậy, chính quyền của Thủ tướng Shinze Abe không thể làm ngơ với tình trạng năng suất lao động thấp. Chính phủ Abe đặt mục tiêu tăng mạnh năng suất lao động từ nay đến năm 2020.
Thế nhưng cho đến nay, nỗ lực để thực sự tăng năng suất lao động chủ yếu tập trung vào nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất như Mitsubishi, các doanh nghiệp khác ngoài ngành không có mấy sự cải thiện.
Trong trường hợp Mitsubishi, những người lao động thừa ra sau khi nhà máy tự động hóa được chuyển sang đảm nhiệm những công việc khác khi nhà máy vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động. Theo phát ngôn viên của tập đoàn, từ nay đến năm 2020, tổng số lượng sản phẩm của Mitsubishi ước tính sẽ tăng khoảng 30%.
Không chỉ riêng Nhật đang “gặp khó” với năng suất lao động thấp. Tại Mỹ, năng suất lao động thấp khiến nhiều ông chủ không muốn tăng lương. Thế nhưng vấn đề năng suất lao động thấp lại ảnh hưởng đến Nhật nhiều hơn so với các nước khác bởi nó đang cản trở nỗ lực tăng lạm phát của Ngân hàng Trung ương.
Quan niệm về năng suất lao động trong ngành sản xuất và ngành dịch vụ của Nhật có rất nhiều sự khác biệt.
“Tại Nhật, ông chủ các doanh nghiệp sản xuất sát sao quan tâm đến tăng năng suất lao động hơn rất nhiều so với ông chủ Mỹ hay châu Âu. Họ rất khắt khe vì vậy năng suất lao động thường rất cao. Thế nhưng các ông chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ lại quan niệm khác hoàn toàn”, giáo sư kinh tế tại đại học Gakushuin University ở Tokyo, ông Koichiro Imano, nhận xét.
Ông chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ vẫn chăm chăm chú ý đến việc nhân viên dành bao nhiêu tiếng mỗi ngày ở công sở.
Thống kê của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (OECD) cho thấy số giờ làm việc của người lao động Nhật hiện đang cao nhất thế giới. Trung bình mỗi người lao động dành 8,9 tiếng/ngày tại công ty. Trong khi đó con số tương tự tại Mỹ và Anh lần lượt chỉ là 7,9 tiếng và 7,3 tiếng.
Tình trạng làm việc nhiều giờ mà năng suất lao động thấp còn tồi tệ hơn trong nhóm tập đoàn/doanh nghiệp được chính phủ bảo hộ.
Bởi họ không phải đương đầu với áp lực cạnh tranh từ bên ngoài, chính vì vậy họ cũng không cảm thấy cần thiết phải ráo riết tăng năng suất lao động. Trong nhóm này đặc biệt phải kể đến nhiều doanh nghiệp bán lẻ và nông nghiệp.
Vì vậy cũng không có gì ngạc nhiên khi các tính toán cho thấy năng suất lao động lĩnh vực dịch vụ của Nhật chỉ bằng nửa so với Mỹ trong suốt nhiều năm.
Ngoài ra, quan điểm duy trì công việc kinh doanh để đảm bảo việc làm cho người lao động cũng khá phổ biến.
Cựu chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại trung tâm nghiên cứu năng suất lao động Nhật, ông Yasuhiro Kiuchi, chỉ ra: “Chính phủ Nhật duy trì rất nhiều doanh nghiệp hoạt động không có lãi để giúp người lao động có việc làm. Tình trạng này diễn ra cực kỳ phổ biến.”
Thay vì đóng cửa doanh nghiệp làm việc không hiệu quả, chính phủ của Thủ tướng Abe đặt mục tiêu tăng năng suất lao động trong lĩnh vực dịch vụ bằng tăng cường sử dụng robot thêm 20 lần nữa chỉ sau 5 năm.
Ví dụ, robot có thể sử dụng để giúp đỡ người bệnh đứng dậy tại các nhà dưỡng lão và đứng chào khách tại quầy lễ tân của khách sạn.
Hàng chục nghìn cửa hàng tiện lợi trên khắp nước Nhật cũng không nằm ngoài xu thế sử dụng robot nhiều hơn để giảm thiểu tình trạng thiếu nhân sự. Hẳn sẽ không còn lâu nữa, hình tượng nhân viên thân thiện đứng chào khách tại hàng loạt các điểm dịch vụ sẽ được thay thế bằng robot.