Tại sao người ngoài hành tinh không liên lạc với chúng ta? Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau giải thích cho câu hỏi này. Trong số này, không loại trừ khả năng, người ngoài hành tinh thấy Trái đất thật nhàm chán và chưa đủ tiên tiến.
Một bài báo nghiên cứu mới được xuất bản trên cơ sở dữ liệu arXiv gợi ý rằng, những nền văn minh ngoài hành tinh không hứng thú với bất kỳ hành tinh tồn tại sự sống. Thay vào đó, sự hứng thú này mang tính chọn lọc hơn, khi người ngoài hành tinh sẽ chỉ quản tâm tới các hành tinh có sự phát triển về sinh học và công nghệ. Đây là tuyên bố được đưa ra bởi nhà nghiên cứu Amri Wandel, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Do Thái (Jerusalem, Israel), tác giả chính của nghiên cứu. Nghiên cứu này vẫn chưa được đánh giá ngang hàng.
Vì sao người ngoài hành tinh chưa liên lạc với chúng ta?
Vào năm 1950, Enrico Fermi và Michael Hart đã chỉ ra một lỗ hổng của Phương trình Drake, vốn ước tính số lượng các nền văn minh trong thiên hà của chúng ta. Trong khi Phương trình Drake đưa ra một xác suất lớn cho sự tồn tại của các nền văn minh tiên tiến ngoài hành tinh, Fermi và Hart tự hỏi tại sao chúng ta vẫn chưa phát hiện ra một nền văn minh nào đó. Điều này được mệnh danh là Nghịch lý Fermi.
Người ngoài hành tinh có thể chỉ hứng thú với các nền văn minh khác có sự phát triển vượt bậc nhất định
Theo tính toán của Hart, một nền văn minh tiên tiến ngoài Trái Đất với khả năng du hành liên sao có thể đã tiếp xúc với nhân loại ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, vì chúng ta vẫn chưa có bất kì cuộc tiếp xúc nào, điều này có thể đồng nghĩa với việc, không tồn tại bất kỳ nền văn minh ngoài Trái Đất ngoài kia.
Tuy nhiên, Nghịch lý Fermi đã bị phản bác bởi một số nhà nghiên cứu. Họ đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau cho việc vì sao người ngoài hành tinh chưa liên lạc với Trái Đất. Chẳng hạn, người ngoài hành tinh có thể đã ghé thăm Trái Đất trong quá khứ, trước cả khi loài người tiến hóa, hoặc trước khi con người đủ công nghệ để quay lại (bằng ảnh / video) quá trình ghé thăm.
Một số nhà nghiên cứu khác lại đưa ra các giải thích như công nghệ du hành liên sao quá khó thể thực hiện, hoặc đơn giản là nền văn minh ngoài Trái Đất đã tự diệt vong trước khi có thể ghé thăm chúng ta.
Người ngoài hành tinh liên lạc một cách...có chọn lọc?
Với riêng nhà vật lý thiên văn Wandel, trong bài nghiên cứu mới nhất của mình, chuyên gia này đưa ra một lời giải thích khả thi khác: Sự sống thực sự rất phổ biến trong Dải Ngân hà. Nếu nhiều hành tinh đất đá (Như Sao Kim, Sao Thủy, Trái Đất hay Sao Hỏa) quay quanh vùng có thể ở được của các ngôi sao chủ, thì các nền văn minh ngoài hành tinh có lẽ sẽ không lãng phí tài nguyên của họ để gửi tín hiệu cho mọi hành tinh.
Nói các khác, các nền văn minh tiên tiến này sẽ không liên lạc với các dạng sống ở mức sơ khai trên các hành tinh, đơn cử như tảo hoặc amip.
Nếu sự sống là phổ biến, những người ngoài hành tinh thông minh có khả năng quan tâm nhiều hơn đến các dấu hiệu của công nghệ, đơn cử như tín hiệu của các loại sóng như sóng vô tuyến.
Con người đã gửi các thông điệp ra ngoài không gian dưới dạng sóng vô tuyến, nhưng chưa nhận được phản hồi
Nhưng tín hiệu công nghệ có thể khó để phát hiện. Chúng ta mới chỉ phát ra ngoài không gian các tín hiệu có thể phát hiện (dưới dạng sóng vô tuyến) kể từ những năm 1930. Về lý thuyết, những tín hiệu này hiện đã đi qua khoảng 15.000 ngôi sao và các hành tinh quay quanh chúng.
Mặc dù vậy, con số này chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số 400 tỷ ngôi sao của Dải Ngân Hà. Chưa kể đến, nếu người ngoài hành tinh nhận được tín hiệu từ Trái Đất, sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể để họ gửi lại tín hiệu phản hồi cho chúng ta. Điều này có nghĩa, chỉ có các ngôi sao trong phạm vi 50 năm ánh sáng mới có thời gian để phản hồi, kể từ thời điểm chúng ta bắt đầu truyền tín hiệu vào không gian.
Tệ hơn nữa, các tín hiệu vô tuyến lâu đời nhất của Trái đất không được phát một cách có chủ ý vào không gian. Vì vậy chúng có thể bị hao hụt, suy giảm tín hiệu sau khi du hành trong khoảng một năm ánh sáng, đến mức các nền văn minh ngoài Trái Đất có thể không phân biệt được chúng, theo Universe Today.
Nhìn ngược lại lịch sử, loài người bắt đầu chủ động gửi tín hiệu tới các nền văn minh ngoài hành tinh với thông điệp Arecibo vào năm 1974, hướng tới cụm sao hình cầu M13. Một số nhà khoa học cho rằng đã đến lúc gửi một thông điệp khác.
Trừ khi Dải ngân hà tồn tại tới 100 triệu hành tinh sở hữu nền văn minh phát triển trong Dải Ngân hà, rất khó thể các tín hiệu của Trái Đất có thể đến được một dạng sống thông minh khác.
Tuy nhiên, theo thời gian, và khi hành tinh của chúng ta phát ra ngày càng nhiều tín hiệu vô tuyến, thì nhiều khả năng các dấu hiệu công nghệ của Trái đất sẽ tìm thấy bởi các nền văn minh tiên tiến, theo kết luận của nhà nghiên cứu Wandel. Mặc dù chúng ta chưa thấy bất kì dấu hiệu về sự tồn tại của một nền văn minh trong phạm vi 50 năm ánh sáng, sự sống có lẽ vẫn đang tồn tại ngoài kia – họ đơn giản là đang chờ 'cuộc gọi' của chúng ta.
Tham khảo Live Science/Wikipedia