Trong khi người trẻ Mỹ ngày một nghèo đi, người già Mỹ dường như vẫn không chịu mở ví chi tiêu, theo những nhận xét mới nhất được đưa ra bởi Bloomberg.
Trong cuộc đời mỗi người, luôn có khoảng thời gian mà người ta được khuyên nên tiết kiệm và có những khoảng thời gian khác người ta được kỳ vọng sẽ chi tiêu. Và nhìn chung, người ta thường cho rằng về hưu nên tiêu tiền.
Hàng triệu người Mỹ đang không làm như vậy, chính vì thế phong cách tiêu tiền của họ đang ngược lại hoàn toàn với quan niệm bình thường của xã hội. Người trẻ Mỹ không tiết kiệm được nhiều khi chi phí cuộc sống cao trong khi thu nhập của họ thấp hơn so với các thế hệ trước.
Cùng lúc đó, người giàu Mỹ đang ôm cả “núi tiền” mà họ có được nhờ những khoảng thời gian tăng trưởng bùng nổ của thị trường chứng khoán và thị trường nhà đất.
Thế nhưng dù có nhiều tiền như vậy nhưng họ không chi tiêu bởi những nỗi sợ rất mơ hồ. Theo kết quả của một nghiên cứu mới nhất được thực hiện bởi đại học University of Michigan – Mỹ, nhiều người về hưu Mỹ vẫn tiếp tục tiết kiệm ngay cả sau khi họ về hưu.
Một người Mỹ trên 60 tuổi mỗi năm giảm chi tiêu thêm 2,5%, sau 10 năm, mức chi tiêu của họ giảm đến hơn 20%.
Kết quả, hàng triệu người già Mỹ dù có tiền nhưng lại sống một cách cực kỳ tiết kiệm. Vì thế, nếu điều chỉnh với lạm phát hàng năm, nhiều người Mỹ ở độ tuổi ngoài 80 lại giàu có hơn so với khi họ ngoài 60 hay 70 tuổi.
Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc người Mỹ đang chết cùng với số tài sản nhiều hơn so với trước đây, điều đó càng làm tăng yếu tố bất bình đẳng liên quan đến tài sản thừa kế.
Công ty United Income đã tiến hành phân tích tài sản của những người Mỹ chết trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2002 và so sánh với tài sản của những người Mỹ chết từ năm 2010 đến năm 2012.
Dù nhóm sau phải sống qua thời kỳ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng tổng tài sản của họ lúc họ qua đời cao hơn đến 130%.
Kết quả của nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy người già Mỹ đang “ôm” tiền nhiều hơn trước đây. Theo tạp chí The Journal of Financial Planning, khoảng hơn 20% người già giàu nhất Mỹ chi tiêu ít hơn 53% so với khả năng tài chính của họ.
Trong khi đó, nhóm 40% người nghèo nhất lại chi tiêu mạnh tay hơn mức an toàn, và 8% người về hưu có khả năng tài chính trung bình chi tiêu nhiều hơn 8% so với khả năng.
Các chuyên gia nghiên cứu đã rất cố gắng tìm hiểu nguyên nhân tại sao người Mỹ về hưu giàu có lại không muốn chi tiêu mạnh tay, họ hoài nghi đó có phải bắt nguồn từ việc họ muốn để lại cho con cháu hay họ lo lắng về chi phí y tế trong tương lai. Và cuối cùng, lý do lớn nhất theo tìm hiểu chính là họ sợ sẽ nhanh chóng hết tiền.
Khi về hưu, sau nhiều năm đi làm, nay khi ngồi nhà, bất ngờ họ không còn được nhận lương hàng tháng, chính vì vậy họ rất ngại chi tiền.
Trước khi về hưu họ cũng từng nghĩ sẽ lên kế hoạch đi đây đó lúc về già, hoặc mua sắm thứ này thứ khác, nhưng đến khi thực sự không còn làm việc nữa, họ sợ hãi khi thấy tài khoản của mình sụt giảm đi, dù chỉ là chút ít tiền.
Số liệu từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy tổng tài sản của các hộ gia đình Mỹ tính đến cuối năm 2016 đứng ở mức 93 nghìn tỷ USD. Nếu chia theo tổng dân số, con số đó tương đương mỗi người Mỹ (dù là đàn ông, phụ nữ hay trẻ nhỏ) đang có tài sản 300 nghìn USD.
Trong con số 93 nghìn tỷ USD trên có 25,3 nghìn tỷ USD là tài sản của những người về hưu. Và nếu số tiền trên không được chi tiêu, hẳn nền kinh tế sẽ gặp nhiều rắc rối.
Người giàu tại Mỹ giàu có như vậy nhưng người trẻ lại nghèo khó hơn.
Theo nghiên cứu công bố bởi Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER), một người đàn ông Mỹ gia nhập thị trường lao động vào năm 1983 kiếm được số tiền ít hơn 19% so với người có trình độ học vấn tương đương nhưng bắt đầu đi làm vào năm 1967. Và ở hiện tại, tình trạng sụt giảm thu nhập vẫn tiếp tục kéo dài.
Nhiều chuyên gia kinh tế học đau đầu với việc: Làm sao để người Mỹ chịu chi tiêu? Họ khẳng định cần đưa ra nhiều công cụ đầu tư tài chính giúp họ có một nguồn thu nhập nhất định, bằng cách đó vừa huy động được số tiền chết vừa đảm bảo về tâm lý cho họ, vì thế họ sẽ chịu tiêu tiền.
Ngoài ra, cũng cần phải có những biện pháp giúp họ tin tưởng hơn vào các chương trình bảo hiểm nhân thọ, loại dành riêng cho người có thể sống đến 80 hay 85 tuổi.
Trên thực tế, sẽ cần đến những giải pháp tâm lý và tài chính cực tốt mới có thể khiến cho người già Mỹ tiêu tiền bởi dù các công cụ đầu tư có đa dạng đến thế nào nhưng bối cảnh kinh tế vĩ mô bi quan cũng sẽ khiến họ thắt chặt hầu bao hơn nữa.