Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên và giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành bắt đầu từ ngày 10/7.
Đây là một tín hiệu tốt cho cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên xung quanh câu chuyện này vẫn có nhiều vấn đề đáng bàn tại sao trong lần điều chỉnh lãi suất lần này nhà điều hành lại không điều chỉnh giảm lãi suất huy động?
Bình luận về ý kiến này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không điều chỉnh lãi suất huy động là có lý do đúng đắn.
Bởi nếu điều chỉnh giảm lãi suất huy động thì tiền đồng sẽ chảy sang các kênh khác, có thể là vàng hay chứng khoán, bất động sản. Điều đó sẽ rủi ro cao, khó huy động vốn cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh huy động vốn chưa phải là cao trong 6 tháng đầu năm nay.
Ngoài ra, có ý kiến băn khoăn vì sao NHNN chỉ điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất cho vay với 5 lĩnh vực ưu tiên mà không thể cao hơn, ông Lực chia sẻ rằng:
"Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp và bàn bạc rất kỹ, chúng tôi đã đề xuất mức giảm như vậy. Bởi nếu giảm sâu quá, đương nhiên doanh nghiệp sẽ hài lòng nhưng sẽ có những tác động khác".
Ông lý giải, thứ nhất, ngân hàng sẽ không dám cho vay lĩnh vực ưu tiên vì lãi suất quá thấp. Thứ hai, hiện nay chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của Việt Nam sau khi trừ chi phí đang ở mức khoảng 2%.
Trong khi đó, các nước trong khu vực cao hơn rất nhiều, tại Trung Quốc con số này vào khoảng 3%, Philippine và Indonesia vào khoảng trên 4%. Như vậy nếu giảm sâu hơn thì hệ thống ngân hàng không thể chịu đựng được trong bối cảnh nợ xấu còn cao.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia khác cho rằng về lý thuyết, khi lãi suất điều hành giảm, thì các NHTM có thể vay NHNN với lãi suất thấp hơn và khi đó nhu cầu vay ngoài thị trường sẽ giảm, khiến lãi suất huy động giảm theo.
Tuy nhiên, trên thực tế, mức giảm 0,25 điểm phần trăm đối với lãi suất điều hành như vừa qua là nhỏ, nên các NHTM khó có thể giảm ngay lãi suất huy động, đặc biệt là lãi suất trung-dài hạn. Lý do là nếu các NHTM giảm lãi suất đầu vào, huy động vốn có thể sẽ giảm theo.
Điều này rất khó được chấp nhận, khi mà huy động vốn và tổng phương tiện thanh toán trong 6 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng dưới 6%, còn tín dụng tăng tới gần 8%.
Thực ra, huy động vốn trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng chậm có một phần nguyên nhân là do NHNN mua được ít USD nên chỉ bơm được ít VND ra thị trường. Chính điều này cũng góp phần khiến NHNN phải giảm lãi suất điều hành để bơm VND qua kênh TPCP.
Về lâu dài, kênh bơm VND qua TPCP sẽ tăng, vì USD trên thị trường sẽ ngày càng ít. Do vậy, việc giảm lãi suất điều hành nhiều khả năng sẽ là xu hướng, nếu mục tiêu về cung tiền và tín dụng vẫn cao. Khi lãi suất điều hành giảm đến một mức nào đó, thì các NHTM sẽ giảm lãi suất huy động theo.
Việc nhiều NHTM sẵn sàng giảm ngay lãi suất cho vay trong khi chưa giảm lãi suất huy động có nguyên nhân là vì họ tin rằng lãi suất điều hành sẽ tiếp tục giảm trong tương lai gần và lãi suất huy động cũng sẽ phải giảm theo.