Tại sao một số bác sĩ trẻ VN không dám lên tiếng trước "bác sĩ già"?

Bác sĩ Huynh Wynn Tran |

"Tụi mày bây giờ sướng quá, không cần phải trực cực khổ như tụi tao hồi xưa..."; "Lúc tao làm bác sĩ nội trú, nhiều lần tao làm thông hai ngày không ngủ...".

Bạn có bao giờ nghe bác sĩ đàn anh nói chuyện như vậy?

Tại Mỹ, các câu chuyện này thường xảy ra trong lúc nói chuyện cho các tân bác sĩ nội trú hoặc các sinh viên mới đi thực tập. Mục đích là để cho các bác sĩ trẻ thấy các bác sĩ già hơn đã phải cực khổ lắm mới có được ngày hôm nay, cho nên "bọn trẻ" cũng phải chuẩn bị tinh thần như vậy để nếu có bị "cực một tí" hoặc "bị đày" thì không nên than vãn.

Những ngày đầu học Y khoa, tôi cũng được nghe kể vậy. Có ông thầy kia hùng hồn hơn:

- Tao mổ gần chục ca mà không được ăn.

Tôi thấy vậy ngứa miệng hỏi:

- Bệnh nhân bị mổ sau cùng có ok không anh? Ý em hỏi là kết quả ấy.

- Dĩ nhiên rồi!

Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản là có lẽ ngành Y là ngành đặc thù, cần phải rèn luyện cực khổ thì mới có kiến thức. Tôi thường ví von học y khoa như luyện võ công Thái Cực Quyền. Không phải vì tôi là fan của Kim Dung mà vì hồi xưa tôi học võ lâu quá, học vất vả mãi mới lên được đai đen. Tôi nhận ra trong võ thuật, chỉ có tập luyện và chịu khổ thì mới khá được.

Nhưng trong thực tế, học Y khoa không đơn giản như vậy. Học hành vất vả chưa chắc cho kết quả tốt.

Các nghiên cứu cho thấy thời gian trực đêm không tăng chất lượng chăm sóc bệnh nhân, trái lại còn có những rủi ro khác do bác sĩ ngủ không đủ hoặc trí óc không đủ minh mẫn tỉnh táo để ra quyết định.

Tại sao một số bác sĩ trẻ VN không dám lên tiếng trước bác sĩ già? - Ảnh 1.

Tổ chức ACGME (chuyên về quản lý đào tạo bác sĩ bác sĩ nội trú của Mỹ) đã phải giới hạn giờ làm việc của bác sĩ nội trú năm 1 (intern) dưới 16 tiếng, vì sợ các tân bác sĩ sẽ không đủ tỉnh táo và sức khoẻ để làm việc.

Thực tế đã xảy câu chuyện đau lòng là một bác sĩ nội trú do quá thiếu ngủ đã không tỉnh táo, gặp tai nạn giao thông chết người trên đường lái xe về nhà.

Nhưng chắc chắn làm biếng lại càng không bao giờ học Y tốt được vì kiến thức y khoa thay đổi mỗi ngày, kiến thức mới chồng lên kiến thức cũ, nếu không liên tục cập nhật sẽ rất dễ lạc hậu. Có một nghiên cứu thú vị ước lượng khoảng 50% kiến thức hôm nay sẽ bị vứt bỏ hoặc thay đổi trong vòng 5 năm tới.

Chính vì vậy, một bác sĩ ra trường đi làm lâu năm mà không cập nhật kiến thức sẽ dễ bị tụt hậu.

Hội bác sĩ nội khoa Hoa Kỳ (American College of Physician) có làm một nghiên cứu thú vị với kết quả các bác sĩ già khi phải thi lại bằng chuyên khoa thì thua hẳn các bác sĩ trẻ (tỉ lệ rớt nhiều hơn). Đơn giản vì kiến thức mới nhiều quá nên các vị bác sĩ già chưa cập nhật kịp. Vì vậy tại Mỹ mới có câu bác sĩ già chưa chắc giỏi hơn bác sĩ trẻ.

Trong một số chuyên khoa khó (ung thư, cơ xương khớp - tự nhiễm), các bác sĩ trẻ thường mạnh hơn trong các điều trị mới với các nghiên cứu mới ra hằng ngày (hoá trị hoặc biologic agents) trong khi các bác sĩ già thường dựa vào thuốc truyền thống nhiều hơn (MTX/HCQ).

Tại Việt Nam, ngành Y kết hợp với triết lý Nho giáo thâm căn khiến cho sinh viên Y và bác sĩ trẻ rất tôn trọng thầy cô giáo Y khoa. Thậm chí có những trường hợp bác sĩ trẻ thấy rõ thầy mình sai rồi nhưng không dám nói ra vì sợ thầy la, hoặc tệ hơn nữa là bị đì.

Lúc còn ở Việt Nam, tôi có hỏi một anh bác sĩ trẻ trong một ca viêm ruột thừa cấp là tại sao dùng phác đồ này trong khi trang web Uptodate nói khác, anh này nói rằng anh biết mình nên làm theo Uptodate hướng dẫn, nhưng vì thầy mình là PGS TS mà, kinh nghiệm mấy chục năm không lẽ sai!

Có lẽ lý do quan trọng hơn là anh này không muốn bị đì như một anh bác sĩ trẻ khác vì dám sửa sai thầy mình.

Tại Mỹ, cũng có một số case tương tự khi bác sĩ trẻ tăm tắp làm theo hướng dẫn (cũ) mặc dù biết có thể không đúng.

Tuy nhiên, kinh nghiệm trong y khoa cũng cực kỳ quan trọng, đặc biệt là các bệnh hiếm và khó khi mà phác đồ điều trị ít hoặc không có.

Quan sát của tôi là càng về sau, có những ca mà chỉ có kinh nghiệm mới cho mình cảm giác bình an, cười nhẹ khi đoán biết trước được kết quả chẩn đoán. Và chỉ có kinh nghiệm mới giúp bạn bình tĩnh lúc ra y lệnh trong những giây phút sinh tử như trong Code Blue (bệnh nhân tím tái, ngưng tim, cần hô hấp cấp cứu). Lúc đó bạn sẽ quý anh bác sĩ già dày dặn kinh nghiệm đến chừng nào.

Vì vậy, nếu bạn đang dạy một ai đó về y khoa, bạn sẽ gây được ấn tượng hơn nếu cho những người mình đang hướng dẫn thấy bạn có cập nhật kiến thức mới, có kinh nghiệm thực tế, và đặc biệt là kết quả chữa trị bệnh nhân của bạn, hơn là cứ nhắc đi nhắc lại "hồi xưa tao đã cực như vậy...".

Kết hợp kinh nghiệm thực tế với sức trẻ và teamwork, bạn sẽ đi xa hơn nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại