Tại sao loài chuột lại được lựa chọn để tham gia vào các thí nghiệm khoa học?

Đức Khương |

Chuột bạch được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu khoa học, nhưng trên thực tế đây là một sự lựa chọn ngẫu nhiên hay có yếu tố nào gì đặc biệt ở chúng?

Theo Tạp chí Smithsonian, chuột cống và chuột nhắt, lần lượt được sử dụng cho các nghiên cứu khoa học từ những năm 1850 và đầu những năm 1900. Chúng thực sự được bảo vệ bởi một loạt các quy tắc đạo đức khác nhau về thử nghiệm trên động vật. Những quy tắc này đảm bảo chuột thí nghiệm chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết.

Ngoài ra, các nhà khoa học thường cố gắng hết sức để đảm bảo những con chuột này luôn cảm thấy thoải mái. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu đã ngừng cầm đuôi chuột sau khi nghiên cứu cho thấy điều đó khiến các con vật bị căng thẳng, theo Tạp chí Smithsonian.

Các yếu tố thực sự ảnh hưởng đến lý do tại sao chuột cống và chuột nhắt được sử dụng trong nghiên cứu thực sự khá phức tạp và mang tính khoa học thỏa đáng. Các yếu tố được xem xét bao gồm tính khí của động vật, tính tương đồng cao với con người và tỷ lệ sinh sản tốt, theo Live Science.

Tại sao loài chuột lại được lựa chọn để tham gia vào các thí nghiệm khoa học? - Ảnh 1.

Theo How Stuff Works, chuột thường được dùng để làm thí nghiệm vì chúng có kích thước nhỏ và khá vô hại. Chuột cũng là loài động vật dễ nuôi, không cần nhiều không gian sống, có tốc độ sinh sản nhanh nên dễ nhân giống hàng loạt với giá rẻ. Tuổi thọ của chuột ngắn, chỉ trong một vài năm. Do đó, các nhà khoa học có thể nghiên cứu những thế hệ khác nhau của chúng dễ dàng.

Không giống như những động vật lớn hơn, chuột sinh sản nhanh chóng, theo Live Science. Thời kỳ mang thai của chúng chỉ kéo dài khoảng ba tuần và chỉ trong vòng sáu tuần sau đó, những con chuột con có thể phát triển thành những con trưởng thành về mặt giới tính.

Điều đó có nghĩa là có thể nghiên cứu nhiều thế hệ chuột chỉ trong một chương trình nghiên cứu, cho phép các nhà khoa học kiểm tra cách thức di truyền giữa các thế hệ.

Ngoài ra, chuột là loài động vật có kích thước nhỏ, dễ thuần hóa, do đó các nhà khoa học thường không gặp vấn đề gì quá phức tạp khi sử dụng chúng. Thêm vào đó, chúng là những sinh vật khá dễ thích nghi, có thể làm quen với nhiều môi trường khác nhau, bao gồm cả những môi trường kỳ lạ của phòng thí nghiệm.

Hơn thế nữa, chuột cũng có giá thành khá rẻ, giúp giảm chi phí nghiên cứu.

Tại sao loài chuột lại được lựa chọn để tham gia vào các thí nghiệm khoa học? - Ảnh 3.

Người và chuột có hệ gen di truyền giống nhau đến 95%. Điều này khiến chuột trở thành con vật trung gian thích hợp, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu cách thức gen người phản ứng với những nhân tố môi trường tương tự. Ngoài yếu tố di truyền, hệ thống sinh học trong cơ thể chuột, chẳng hạn như các bộ phận cơ thể, cũng hoạt động rất giống con người.

Theo Live Science, về mặt di truyền, loài chuột có nhiều điểm chung đáng ngạc nhiên với con người. Chúng chia sẻ khoảng 95% mã di truyền với con người. Điều đó khiến cho loài chuột trở thành một phép so sánh tương đối tốt đối với con người, đặc biệt là khi các nhà khoa học đã giải mã hoàn toàn bộ gen của người, chuột nhắt và chuột cống, giúp dễ dàng phân lập và so sánh các gen tương đương.

Trên hết, những con chuột có thể được nhân giống để bắt chước một số điều kiện nhất định ở người. Ví dụ, những con chuột đã được nhân giống đặc biệt có chứa gen đột biến gây điếc di truyền giống như con người. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, bằng cách quan sát những con chuột này, chúng ta có thể thực hiện loại thí nghiệm có kiểm soát không thể thực hiện được ở người (vì một số vấn đề liên quan đến đạo đức).

Tại sao loài chuột lại được lựa chọn để tham gia vào các thí nghiệm khoa học? - Ảnh 4.

Có hai loại chuột thường được dùng trong thí nghiệm: Chuột cống và chuột nhắt. Chuột nhắt họ Mus musculus có đặc tính ưu việt về y sinh nhờ bộ gen dễ điều chỉnh để phục vụ công tác nghiên cứu. Chuột cống Rattus norvegicus và các dòng khác nhau của loài này có đặc điểm sinh lý giống người.

Chuột được coi là loài lý tưởng cho những nghiên cứu liên quan đến tim mạch, độc tính và nghiên cứu hành vi. Mặt khác, chúng cũng được sử dụng để nghiên cứu về thần kinh. trong đó các tế bào não được cấy vào hộp sọ của chuột.

Nhưng bất kể mục đích sử dụng của chúng là gì, hầu hết chuột thí nghiệm đều chịu chung số phận cuối cùng. Chúng thường bị giết sau khi hoàn thành nghiên cứu, theo Tạp chí Smithsonian. Trong một số nghiên cứu, các nhà khoa học mổ xẻ chuột và kiểm tra xem chúng đã bị ảnh hưởng về mặt sinh lý như thế nào bởi một vài nghiên cứu nhất định. Mỗi năm, khoảng 100 triệu con chuột bị giết ở Mỹ với mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học, theo Tạp chí Smithsonian.

Với tư cách là con vật thí nghiệm phổ biến nhất, chuột đã giúp con người đạt được rất nhiều thành tựu khoa học, những gì mà loài động vật này trải qua hàng ngày trong phòng thí nghiệm thì phần lớn không mấy người biết.

Không phải cứ ai muốn là có thể dùng chuột trong thí nghiệm. Các nhà khoa học phải được tập huấn về đạo đức và quy tắc đối xử với động vật rồi mới được phép "làm việc" với chúng trong phòng thí nghiệm. Quy tắc đối xử khác nhau tùy quốc gia. Tại Canada và châu Âu, các nhà khoa học phải chịu sự giám sát của một cơ quan quản lý quốc gia; còn ở Mỹ họ phải tuân thủ quy định riêng của từng tổ chức và hướng dẫn chung của Viện Y tế quốc gia.

Phần lớn các trường đại học tại Mỹ đều mở khóa tập huấn về cách đối xử với chuột nhằm giảm thiểu sự căng thẳng và đau đớn cho chúng trong quá trình thí nghiệm. Quy trình áp dụng được cập nhật hàng năm cho phù hợp với thực tế hiểu biết của con người về loài chuột.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại