Những tảng băng trôi lúc nào cũng mang một vẻ đẹp hùng vĩ và bí ẩn. Trong khi hầu hết mọi người đều cho rằng chúng chỉ có duy nhất một màu trắng, thì trên thực tế, có những tảng băng mang màu xanh dương, xanh lá và thậm chí là kẻ sọc.
Vậy điều gì tạo nên những sự khác biệt màu sắc này?
Khi băng trôi có màu xanh dương
Giáo sư Steve Warren của Đại học Washington cho rằng hầu hết các tảng băng trôi đều mang màu trắng pha với một chút xanh dương.
Lý do là các tảng băng trôi thường được cấu tạo từ các phần tử tuyết và băng giá.
Trong khi một phần nhỏ ánh sáng được phản chiếu từ mặt băng thì hầu hết chúng đều đi xuyên qua lớp băng và tương tác với những phân tử tuyết và bong bóng khí tồn tại sâu bên trong.
Khi ánh sáng lọt vào, nó chạm tới ranh giới giữa băng và khí rồi bị uốn cong, phân tán. Tại những vị trí tập trung nhiều bong bóng khí và băng tuyết, các bước sóng ánh sáng phân tách trước khi được hấp thụ. Và do đó, chúng ta nhìn thấy tảng băng có màu trắng sáng.
Đây là những tảng băng bình thường - có màu xanh dương
Càng ít bong bóng khí, độ phân tán của ánh sáng càng thấp. Chỉ có ánh sáng đỏ được hấp thụ còn ánh sáng xanh bị phân tán và thoát ra ngoài.
Do vậy bằng mắt thường ta có thể nhận thấy rằng có những tảng băng mang màu xanh dương.
Nhưng rồi những tảng băng màu xanh lá cây xuất hiện
Nam Cực là nơi tập trung những tảng băng kì lạ nhất trên thế giới. Tại đây, ta có thể tìm thấy những sắc băng màu ngọc bích tối, hoặc xanh ngọc lục bảo đã từng khiến cho rất nhiều thuyền trưởng phải bối rối mỗi lần di chuyển qua đây.
Giáo sư Warren - người đã có hai chuyến thám hiểm Nam Cực cho biết, những tảng băng này thường có màu tối và trong suốt. Bạn thậm chí còn có thể nhìn sâu vào phía trong nó đến 10 mét.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do chúng không chứa các bong bóng khí, mà hoàn toàn được tạo nên từ nước biển bị đóng băng.
Băng màu xanh lá cây được tạo ra hoàn toàn bởi nước biển đóng băng
Màu sắc của các tảng băng phụ thuộc vào nước biển và sự dịch chuyển của những dải băng ở Nam Cực.
Khi các dải băng trôi trên biển, nó mài những tầng đá gốc ở Nam Cực tạo thành lớp bụi sắt đỏ gọi là "bột đá băng". Lớp bột này sẽ rơi xuống biển.
Nước biển cũng chứa các chất hữu cơ hòa tan màu vàng từ những tế bào sinh vật phù du đã chết. Cùng với sắc đỏ của bụi, chúng gây ra sự chuyển đổi màu sắc của ánh sáng phân tán trong tảng băng trôi.
Các bước sóng dài hơn chiếm ưu thế, vì vậy chúng ta nhìn thấy sắc tối và xanh nhiều hơn.
Tuy nhiên, màu sắc chính xác của từng tảng băng còn phụ thuộc vào mức độ chất hữu cơ và oxit sắt trong nước biển tại từng thời điểm. Thậm chí những vết nứt trên mặt băng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo màu.
Những tảng băng kẻ sọc
Giáo sư Warren cho rằng, việc nghiên cứu về màu sắc các tảng băng có thể hé lộ nhiều sự thật khoa học thú vị.
Ví dụ như những hiện tượng xảy ra ở nền lớp băng, tốc độ nứt của rãnh trên mặt băng, hoặc thậm chí là các chất dinh dưỡng (như sắt) được phân bố ở Nam Đại Dương như thế nào.
Với những tảng băng kẻ sọc, chúng được tạo ra từ sự xâm nhập của nước biển vào các vết nứt dọc khi các tảng băng tách ra từ đất liền.
Khi nước biển tràn lên và lấp đầy các rãnh nứt, chúng đóng băng lại thành những sọc đen.