Tại sao không khí Hà Nội vẫn xấu đi dù đang cách ly xã hội vì dịch Covid-19?

Triệu Quang |

Những ngày đầu thực hiện cách ly xã hội vì dịch Covid-19, chất lượng không khí Hà Nội được cải thiện đáng kể, tuy nhiên, gần đây lại đang xấu dần đi.

Tại sao không khí Hà Nội vẫn xấu đi dù đang cách ly xã hội vì dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Chất lượng không khí Hà Nội trên PAM Air lúc 10h sáng 7/4 ở ngưỡng 85-140, trung bình đến kém. Ảnh chụp màn hình.

Mấy ngày gần đây, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội được cải thiện đáng kể, có những ngày ở mức tốt hoặc trung bình. Tuy nhiên, hôm nay (7/4), một số điểm đã ghi nhận AQI ở mức trung bình đến kém.

Lúc 10h sáng 7/4, trên hệ thống PAM Air, nhiều điểm ghi nhận AQI từ khoảng 85-140, đây là ngưỡng trung bình đến kém. Ở ngưỡng này, nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già, người mắc bệnh đường hô hấp được khuyến cáo hạn chế ra ngoài.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho hay: “Hôm nay (7/4), chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức trung bình.

Nếu so sánh với khoảng 2-3 ngày trước thì không khí đang xấu dần đi. Tuy nhiên, trong tháng 3 vừa qua so với trung bình tháng 3 của nhiều năm thì vẫn ở mức tốt hơn”.

Tại sao không khí Hà Nội vẫn xấu đi dù đang cách ly xã hội vì dịch Covid-19? - Ảnh 2.

Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam. Ảnh Tổng cục môi trường.

Ông Tùng giải thích, những ngày trước, chất lượng không khí tốt là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cách ly xã hội nên lượng người và phương tiện giao thông ra đường giảm đáng kể, do đó, lượng khí thải CO2 cũng giảm.

 Thêm nữa, mấy ngày trước, miền Bắc có không khí lạnh, kèm mưa nên chất lượng không khí tốt hơn.

“Hôm nay, tôi thấy lượng người và phương tiện ra đường đã có chút đông hơn so với những ngày đầu thực hiện cách ly xã hội, có những người vẫn phải đi làm nhưng dường như có những người tỏ vẻ không sợ dịch khi dịch bắt đầu có dấu hiệu chững lại”, ông Tùng chia sẻ.

Tại sao không khí Hà Nội vẫn xấu đi dù đang cách ly xã hội vì dịch Covid-19? - Ảnh 4.

Bảng quy đổi giá trị AQI với những con số tương ứng để mọi người so sánh.

Thêm vào đó, theo ông Tùng, không khí lạnh suy yếu, mưa giảm cũng là một nguyên nhân khiến chất lượng không khí tại Hà Nội xấu dần đi.

Ngoài ra, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, còn một nguyên nhân khác cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng không khí Hà Nội, đó là một số xưởng, lò thủ công tại một số vùng, tỉnh quanh Hà Nội vẫn hoạt động và xả khí thải.

Ông Tùng lấy ví dụ, hôm qua (6/4), một số thông tin truyền thông đưa tin, có cả trăm chiếc lò đốt rác ở Thái Bình vẫn hoạt động, một số lò hỏng nên người ta đốt lộ thiên…

Với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ông Tùng dự đoán rằng, trong những ngày sắp tới, chất lượng không khí ở Hà Nội sẽ vẫn xấu dần đi. Tuy nhiên, xen kẽ những ngày không khí xấu, sẽ có những ngày không khí ở ngưỡng tốt.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại