Nói đến luật giao thông, điều luật đơn giản nhất mà chúng ta nghĩ đến đầu tiên là quy tắc gặp đèn đỏ thì dừng, đèn vàng thì đi chậm và tiếp tục chạy khi đèn xanh.
Tuy nhiên, quy tắc này không hẳn lúc nào cũng đúng, nhất là khi bạn đã đặt chân đến Nhật Bản. Tại đất nước Mặt trời mọc này, các cột đèn giao thông lại hiển thị là màu đỏ, vàng và xanh lam chứ không phải đỏ, vàng hay xanh lục như thông thường.
Được biết, lý do cho sự khác biệt này bắt nguồn từ tiếng Nhật, khi mà chỉ có 1 từ dùng để chỉ cả hai màu xanh lam và xanh lục. Người Nhật xưa quan niệm màu sắc chỉ có 4 màu cơ bản là trắng, đen, đỏ và xanh.
Trong đó, màu đỏ dùng để chỉ tông màu nóng và màu xanh dùng để chỉ tông màu lạnh. Do đó, sắc xanh đều được mô tả bằng từ “ao” hay “aoi” dù cho đó là màu xanh lam hay xanh lục.
Đến cuối thiên niên kỷ thứ nhất, từ “midori” (nảy mầm) được sử dụng cho màu xanh lục, xanh lá cây. Tuy nhiên, nó lại không được sử dụng phổ biến và bắt đầu chìm vào quên lãng. Nguyên nhân cho việc này là người Nhật quan niệm rằng từ “midori” là điều không may mắn, không nên nhắc tới.
Cho đến năm 1930, giao lộ Hibiya của Nhật có đèn giao thông đầu tiên và người ta đã chọn màu xanh lục cho một trong 3 màu sắc hiển thị trên cột đèn. Tuy nhiên, người dân Nhật Bản vẫn cứ quen dùng từ “aoi” chứ không phải “midori” để chỉ màu xanh thay cho tín hiệu giao thông được phép di chuyển.
Vào năm 1973, chính phủ Nhật Bản đã quyết định đổi ánh sáng đèn giao thông từ màu xanh lục sang xanh lam và gắn chặt chẽ với luật pháp quốc tế.
Mặc dù quốc tế có Hiệp ước Vienna về Ký hiệu và Tín hiệu Giao thông năm 1968, nhưng Nhật vẫn chưa ký kết Hiệp ước này nên không có sự ảnh hưởng gì đến giao thông của đất nước khi quyết định thay đổi màu sắc của đèn tín hiệu.
Hiện nay, khi thi giấy phép lái xe, người dân Nhật Bản vẫn phải trải qua bài kiểm tra thị giác bao gồm khả năng phân biệt màu đỏ, vàng và xanh lam chứ không phải là xanh lục.