Cả hệ thống đèn chiếu sáng của xe máy và ô tô đều được thiết kế với hai chế độ là đèn pha (đèn chiếu xa) và đèn cos, hay còn gọi là cốt (đèn chiếu gần). Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách phân biệt và sử dụng đúng hai chế độ chiếu sáng này.
Thực tế, nắm rõ được nguyên tắc sử dụng của đèn pha và đèn cốt không những đảm bảo tuân thủ quy định về an toàn giao thông mà còn không gây khó chịu cho những người cùng lưu thông trên đường.
Đèn pha với biểu tượng chùm sáng hướng lên và đèn cốt với biểu tượng chùm sáng hướng xuống.
Theo đó, đèn pha là chế độ đèn chiếu xa với cường độ ánh sáng mạnh và tầm chiếu cao hơn, vì thế giúp người điều khiển xe có thể nhìn thấy các chướng ngại vật, biển báo… từ xa. Vì lý do này, đèn pha thường được sử dụng trong những chuyến đi đường trường hoặc di chuyển trên cao tốc.
Điểm trừ của loại đèn này nằm ở chỗ có thể cản trở tầm nhìn hoặc gây loá mắt cho những người đi cùng chiều ở phía trước nếu được sử dụng thiếu hợp lý.
Thậm chí, đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn khi người tham gia giao thông bị loá mắt, không nhìn thấy các tình huống phía trước để phản xạ.
Đèn cốt trong khi đó cho cường độ ánh sáng nhẹ hơn, góc chiếu đèn thấp hơn. Vì thế, nó đảm bảo giúp người điều khiển phương tiện có thể thấy những chướng ngại vật trong phạm vi gần.
Đèn cốt phù hợp cho người lưu thông trong khu vực đông dân cư, nội đô và di chuyển với tốc độ chậm.
Sử dụng đèn xe chính xác là chấp hành luật giao thông.
Có thể bạn chưa biết, đối với người điều khiển xe máy, sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe ngược chiều có thể bị phạt tiền từ 60.000 đồng tới 100.000 đồng theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Việc sử dụng đèn chiếu xa trong khi đô thị, khu đông dân cư cũng bị áp dụng mức phạt tương tự theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Đối với xe ô tô, mức phạt lên tới từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.