Tại sao đa số người dân Đức muốn bà Merkel từ chức?

Tuệ Minh |

Các cử tri Đức bày tỏ thái độ không hài lòng vì cho rằng Thủ tướng Angela Merkel đã sử dụng “quá tay” nguồn lực quốc gia cho cuộc khủng hoảng tị nạn cũng như tiếp tục viện trợ cho các nền kinh tế khác thuộc Liên minh châu Âu.

Cuộc khảo sát của YouGov và báo Handelsblatt tổ chức, được công bố hôm qua (1/6), cho thấy 29% người dân Đức muốn nước này rời khỏi EU nếu tiến hành trưng cầu dân ý. Tổng thể, chỉ có khoảng 54% số người được hỏi muốn Đức tiếp tục ở lại EU, và khoảng 27% còn lại chưa quyết định.

Thông thường, đa số người dân Đức đều ủng hộ Liên minh châu Âu, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong liên minh này.

Các nhà phân tích cho rằng tình trạng chính trị bất ổn ngày càng gia tăng ở Berlin cũng như việc cử tri tức giận với việc Hy Lạp tiếp tục yêu cầu trợ giúp tài chính từ Đức và các thành viên EU khác, cùng với cuộc khủng hoảng tị nạn vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc đã dẫn đến sự thất vọng trong đại bộ phận dân chúng.

Trước đó, một khảo sát độc lập của công ty Insa cũng cho thấy, 64% người dân Đức phản đối Thủ tướng Angela Merkel và đề nghị bà nên từ chức.

Sự không hài lòng dành cho nhà lãnh đạo Đức đã lan rộng ra khắp cả nước, vớ 63,8% người phản đối bà Merkel ở phía Tây và 64,8% ở phía Đông. Điều này có thể phá hỏng hy vọng tái đắc cử của bà vào năm 2017.

Các cuộc khảo sát trên cũng cho nhiều người quay sang ủng hộ đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD), đảng chủ trương chống làn sóng người nhập cư và là đối thủ chính của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel.

Một cuộc khảo sát khác hồi tháng 2 cho thấy cuộc khủng hoảng tị nạn chính là thách thức lớn nhất của bà Thủ tướng, với 81% người được hỏi cho rằng họ không tin chính quyền của bà Merkel có thể kiểm soát được làn sóng người tị nạn.

Tình hình chính phủ của bà Merkel càng trở nên tồi tệ hơn trong những tháng sắp tới khi Bộ Tài chính tuyên bố kế hoạch chi tiêu khoảng 105 tỷ USD cho những người tị nạn trong vòng 5 năm tới. Số tiền này tương đương với một năm ngân sách quốc phòng của Đức.

Chính sách chi tiêu mới này của chính phủ được đưa ra giữa lúc số lượng trẻ em Đức sống trong nghèo đói đạt mức kỷ lục với khoảng 1,5 triệu người cần trợ giúp từ chính phủ, hay tương đương với 14% tổng số trẻ em của toàn nước Đức.

Số liệu từ Cơ quan Việc làm Liên bang cho thấy, cứ 1 trong số 3 trẻ em ở Berlin phải sống dựa vào trợ cấp xã hội.

Đức đang phải đối mặt với một tương lai khá căng thẳng khi chưa có một vấn đề nào được giải quyết triệt để, từ trợ cấp cho người tị nạn, những đe dọa đến sự ổn định của EU khi nước Anh có thể sẽ ra khỏi liên minh và những người dân vẫn phải chịu mức thuế cao để gánh khoản trợ cấp tiếp theo cho Hy Lạp. Có vẻ như tương lai chính trị của bà Merkel sẽ là một con đường đầy chông gai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại