Hồng hạc xứng đáng được mệnh danh là "người mẫu" lý tưởng của giới động vật. Chúng cao, gầy, khoác lên người màu sắc đầy rực rỡ và tất nhiên là luôn biết cách tạo dáng rất ăn ảnh và nịnh mắt.
Giờ đây, các nhà khoa học cho rằng họ đã tìm ra câu trả lời cho thắc mắc kéo dài bấy lâu nay về việc tại sao và làm thế nào những con chim màu hồng quyến rũ này lại có thể sở hữu một dáng đứng 1 chân đầu đặc trưng đến vậy:
Hóa ra chúng có khả năng tiết kiệm năng lượng và sức lực hiệu quả hơn nhờ đứng bằng 1 chân thay vì 2 chân.
Cụ thể, các chuyên gia từ Mỹ đã khám phá ra sự thật rằng chân của hồng hạc có kết cấu hỗ trợ tư thế một cách chuẩn xác và phù hợp để chân chúng được giữ thẳng cố định một cách yên vị, hay nói cách khác, chúng gần như không tiêu tốn sức mạnh cơ bắp nhiều khi duy trì dáng đứng đó.
Giáo sư Young-Hui CHang từ Viện Công nghệ Georgia và Tiến sỹ Lena H Ting của Đại học Emony University (Atlanta) cũng đã bày tỏ hứng thú với suy nghĩ rằng loài hồng hạc có đặc điểm chân với khớp có thể "khóa" cố định vào một vị trí, nhưng khi tiến hành xét nghiệm 2 mẫu hồng hạc (đã qua đời) từ sở thú Birmingham thì lại có vẻ như không tìm ra được bằng chứng nào cả.
Tuy nhiên, khi Chang thử cầm chân một mẫu vật lên và giữ ở tư thế thẳng đứng, bỗng có cảm giác như thể nó tự động cố định một cách có tổ chức trong cấu tạo khung chân và giữ nguyên dáng thẳng đó.
Đấy là khi ông nhận ra mình đã chạm được một phần đến câu trả lời, vì ngay cả một con hồng hạc đã chết còn làm được thì chắc chắn những cá thể còn sống cũng áp dụng được điều đương nhiên như vậy.
Tiếp đến, họ nhận ra rằng khi cố gắng làm vậy với 2 chân thay vì 1 chân, kết quả thu được lại chẳng tỏ ra tiến triển và ủng hộ gì cả. Như vậy, họ dần nhận ra dường như đứng bằng 1 chân sẽ dễ hơn nhiều là 2 chân ở loài chim này.
Sau đó, họ tiếp tục thử quan sát thói quen của 8 cá thể hồng hạc non từ Sở thú Atlanta khi cho chúng vào một môi trường theo dõi và chờ khi chúng ngủ, rồi chợt phát hiện rằng khi chúng ít hoạt động, có vẻ như chúng sẽ chuyển sang đứng yên cân bằng nhờ 1 chân mà thôi.
Cuối cùng, họ kết luận và đăng tải kết quả lên tạp chí sinh vật học về nhận định của mình - hồng hạc áp dụng cơ chế này như một tư thế bị động hỗ trợ xu hướng nghỉ ngơi, không cần đến sức lực.
Nghe có vẻ hơi khó hiểu vì thông thường, con người chúng ta sẽ nghĩ rằng đứng trên 1 chân thực sự khó và tốn sức hơn nhiều so với 2 chân. Thế nhưng thiên nhiên là vậy, chứa đầy những điều bất ngờ và không thể đoán trước.
Dù các nhà nghiên cứu thừa nhận vẫn còn cần thêm nhiều thời gian theo dõi nữa để hiểu rõ hơn về tập tính này của loài hồng hạc, nhưng đây ít nhiều là bước đầu tích cực mở ra câu trả lời cho những lý do tương tự về các loài như cò, diệc, đồng thời xúc tiến cho ngành chế tạo robot trong tương lai để ứng dụng hỗ trợ con người tốt hơn nữa.
Nguồn: Iflscience