Cách đây vài ngày khi đưa con đi sở thú, tôi đã được chứng kiến cảnh tượng này:
Một người mẹ trước mặt tôi đã nói nhỏ với con trai mình: "Lát nữa đi vào cổng, con khuỵu gối xuống một chút, cổ rụt lại một tý, như vậy thì sẽ không mất tiền vé."
Cậu bé rõ ràng không muốn: "Mẹ ơi, con đã cao 125 cm rồi, mẹ muốn con thấp như thế nào? Con không muốn trốn tiền vé."
Nhưng không thể cãi lại mẹ, cậu bé bĩu môi, nhưng vẫn cúi đầu rồi khom lưng bước về phía trước.
Bước vào cổng, nhân viên soát vé nhận thấy cậu bé cao hơn 1,2 mét và yêu cầu bố mẹ cậu trả tiền vé.
Nhưng người mẹ không chịu bỏ cuộc, tiếp tục cãi lại: "Con tôi thực ra chưa đến 6 tuổi, chỉ là cao hơn các bạn…"
Mặc dù nhân viên soát vé nhiều lần giải thích rằng việc giảm giá cho trẻ chỉ phụ thuộc vào chiều cao chứ không phụ thuộc vào độ tuổi, và dù cậu bé đã đỏ mặt xấu hổ, nhưng người mẹ vẫn đứng đó phân bua với nhân viên soát vé.
Tôi quan sát thấy người mẹ này ăn mặc lộng lẫy và đeo đầy đồ trang sức bằng vàng, trông không hề thiếu tiền nhưng khuôn mặt lúc này lại lộ rõ sự "nghèo nàn".
Loại "nghèo" này không phải là nghèo về tiền bạc mà là nghèo về tinh thần.
Satya, bậc thầy về trị liệu gia đình, từng nói:
"Những nét tính cách, quan điểm sống, đời sống tinh thần, lối suy nghĩ và thói quen sinh hoạt của một người đều bị ảnh hưởng sâu sắc bởi gia đình và cha mẹ, thậm chí nhiều điều trong số đó còn có ảnh hưởng mang tính quyết định".
Trong một gia đình, nếu cha mẹ nghèo khó thì con cái khó có thể không bị "lây nhiễm".
01
Cha mẹ nghèo, con cái khó có thể hào phóng
Tôi từng đọc được một mẩu tin có nội dung như sau:
Ở Hoài An, Giang Tô, Trung Quốc, một người cha khi đưa con đi chơi trong công viên giải trí đã đặt một túi đồ của mình lên quầy, nghĩ rằng xung quanh đều là phụ huynh và còn có cả nhân viên cửa hàng nên túi đồ của anh chắc sẽ không sao.
Không ngờ sau khi đi ăn ở một quầy gần đó về, khi quay trở lại, anh phát hiện ra túi đồ của mình đã biến mất.
Sau khi kiểm tra camera giám sát trong cửa hàng, người ta phát hiện người lấy trộm đồ là một bà mẹ, nhân chứng là hai đứa con của cô.
Khi đó, người con lớn nhìn thấy hành động của mẹ liền đẩy tay mẹ ra hiệu mẹ đừng lấy.
Nhưng người mẹ không quan tâm, vẫn cầm đồ rồi bỏ đi.
Chủ nhân của túi đồ cho biết trong túi có đồng hồ và đồ chơi, tổng trị giá là 800 nhân dân tệ. Anh không gọi cảnh sát vì chúng không quá đắt và cũng không muốn liên lụy đến hai đứa trẻ con của người phụ nữ, nhưng mong người mẹ ngừng làm việc này vì nó sẽ làm hư đứa trẻ.
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Morgan Scott Peck từng nói:
"Con cái bắt chước cha mẹ một cách tự nhiên, chúng sao chép cách làm của cha mẹ và coi đó là chuẩn mực, hình mẫu trong cuộc sống".
Cha mẹ nghèo tham lợi nhỏ, thích lợi dụng, chỉ quan tâm đến lợi nhuận, gieo mầm mống của sự tính toán, tham lam vào lòng con cái, khiến con cái dần dần trở nên nghèo nàn về tâm hồn, nhân cách thấp kém.
Một cư dân mạng giấu tên trên mạng từng cho biết, mỗi lần mẹ anh mua rau, bà đều lấy của sạp hàng đó một ít hành lá.
Khi đi siêu thị, bà cũng lén lấy vài chiếc túi nilon vào trong túi.
Ngày thường, mẹ cũng thỉnh thoảng lấy một gói giấy in, một hộp bút hay một gói túi đựng rác từ cơ quan về...
Khi còn nhỏ, anh từng cảm thấy xấu hổ và coi thường mẹ mình.
Nhưng sau đó, khi anh đi du học và vô tình phát hiện ra rằng mình có thể đi xe buýt mà không cần quẹt thẻ, từ đó, trong tiềm thức, anh đã chọn cách trốn tiền vé.
Vì muốn cố gắng tiết kiệm cho mình chi phí đi lại mà anh bị đưa vào danh sách đen trong quá trình tìm việc làm do có tiền sử trốn vé dù thành tích học tập vô cùng xuất sắc.
Có người từng nói: Chúng ta khó tìm được một đứa trẻ có tâm hồn hào phóng trong một gia đình luôn luôn tính toán chi li, chúng ta cũng khó tìm được một đứa trẻ có sự tao nhã, thuần khiết trong một gia đình thô tục.
Cha mẹ là con cái của quá khứ, con cái là cha mẹ của tương lai.
Con cái sẽ tiếp thu tất cả những điều tốt đẹp của cha mẹ và cũng bắt chước những hành vi xấu của cha mẹ.
Chỉ khi cha mẹ không tham lam những lợi ích nhất thời, con cái họ mới giàu có về nội tâm.
Chỉ khi cha mẹ tuân thủ các nguyên tắc và đạo đức của mình thì con cái họ mới có thể cư xử tốt.
02
Cha mẹ nghèo, con cái khó ngẩng cao đầu
Mới đây trên mạng xuất hiện một bài viết hot, tạo được sự đồng cảm của vô số cư dân mạng.
Trong tiệm bánh, một cô bé khoảng năm, sáu tuổi vui vẻ chọn một chiếc bánh rán mà mình thích.
Sau đó, cô đề nghị mẹ chọn thêm hai chiếc nữa: "Mẹ một chiếc, bố một chiếc nữa, được không ạ?"
Một câu hỏi chứa đầy sự ấm áp và tình yêu thương!
Nhưng mẹ cô bé không hề cảm ơn sự chu đáo của con gái mà ngược lại chỉ trích con:
"Mua nhiều thế để làm gì? Cho bao nhiêu định tiêu hết bấy nhiêu à? Bố mẹ không ăn bánh rán, suốt ngày chỉ lãng phí tiền là giỏi."
Cô con gái sửng sốt một lúc, sau đó thận trọng nói:
"Cái này ngon quá, con cũng muốn bố mẹ được ăn."
"Ăn gì? Bố mẹ vất vả kiếm tiền không phải là vì ăn bánh rán mà là vì con, con biết kiếm tiền khó khăn thế nào không, một cái bánh nhỏ xíu mà 20 ngàn…"
Người mẹ ở một bên không ngừng nói, cô bé nặng nề cúi đầu, nước mắt lưng tròng.
Có lẽ không có cha mẹ nào không yêu thương con cái, nhưng nhưng bậc cha mẹ không biết cách ăn nói vừa mở miệng là kêu ca, phàn nàn, khóc lóc về cảnh nghèo khó khiến trái tim con cái tan nát.
"Để kiếm tiền cho con đi học, con có biết bố mẹ vất vả thế nào không?"
"Không phải so sánh với người khác, điều kiện nhà người ta thế nào, điều kiện gia đình mình ra sao?"
Đây là câu nói mà cư dân mạng tên Linh được nghe nhiều nhất khi cô còn nhỏ, khi đó, bố mẹ sẽ phàn nàn trước khi mua bất cứ thứ gì cho cô.
Cha mẹ có thể nói ra những điều đó một cách vô tư, nhưng mỗi lời nói đều in sâu vào lòng cô, biến thành cảm giác tội lỗi sâu sắc: Tôi là gánh nặng cho bố mẹ, chính tôi là người đã khiến họ vất vả như vậy.
Vì thế cô không bao giờ dám đòi hỏi hay gây rắc rối.
Ngay cả ở độ tuổi mà những người khác vẫn còn vui chơi, cô lại nghĩ đến việc làm thế nào để cắt giảm thức ăn, quần áo hàng ngày và tìm kiếm thêm chai nhựa ở đâu để bán lấy tiền giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ.
"Nhà không có tiền, mẹ một mình nuôi con cũng không dễ dàng gì."
Đây là câu mà nhà hùng biện nổi tiếng người Trung Quốc, Xi Rui được nghe nhiều nhất khi còn nhỏ.
Biết nhà mình nghèo, anh không dám ngước mắt lên khi đi siêu thị với người lớn vì sợ nhìn thấy món ăn vặt yêu thích của mình.
Khi lớn lên, anh làm việc chăm chỉ để thay đổi cuộc sống nghèo khó nhưng nỗi sợ không có tiền vẫn luôn đeo bám anh.
Cho đến hôm nay, khi anh tới một nơi nào đó mà không mang theo số tiền gấp ba lần thì anh sẽ cảm thấy sợ hãi.
Chỉ cần bệnh không nặng, anh không dám đi bệnh viện.
Đối mặt với lòng tốt của người khác, phản ứng đầu tiên của anh không phải là vui vẻ nhận lấy mà sợ hãi nghĩ rằng mình không xứng đáng.
Khủng khiếp hơn nghèo về vật chất là cái nghèo về tinh thần.
Con trẻ có thể chịu đựng thiếu thốn vật chất nhưng lại khó tiêu hóa nỗi cay đắng mà người thân "trút bỏ" lên mình.
Vì vậy, hãy ngừng giáo dục trẻ em bằng cách khóc lóc vì nghèo đói và ràng buộc chúng bằng những bất hạnh.
Chỉ khi trẻ có cảm giác "hạnh phúc" và "cảm thấy xứng đáng" khi còn nhỏ, trẻ mới có được nghị lực vô tận trong những năm tháng tương lai của mình.
03
Cha mẹ nghèo, con cái khó có được một tương lai đầy hứa hẹn
Tầm nhìn của cha mẹ chính là mức trần cho sự trưởng thành của trẻ.
Cha mẹ thiển cận, trình độ nhận thức thấp, con cái thường khó có được tương lai tươi sáng.
Trong bộ phim tài liệu của Trung Quốc có tên "Cha" quay năm 2002, nhân vật chính Hàn Thắng Lợi đã theo học tại một trường đại học danh tiếng, cha làm phụ xây tại một công trường gần đó để hỗ trợ việc học của anh.
Vì phần lớn số tiền kiếm được đều dùng để đóng học phí nên chi phí sinh hoạt hàng tháng của Thắng Lợi chỉ có 200 tệ (khoảng 600 ngàn đồng).
Ở trường, tiền chỉ đủ cho anh ăn bibimbap rau mỗi bữa, không đủ trang trải chi phí.
Vì thế bất cứ khi nào có thời gian rảnh, anh đều đi nhặt chai lọ khắp nơi.
Đôi khi, chỉ với vài vỏ chai nước khoáng, anh có thể đợi các bạn cùng lớp ở sân bóng rổ rất lâu mà không tính toán đến thời gian.
Một người bạn cùng lớp có thiện chí đã thuyết phục anh làm việc bán thời gian vì anh có thể kiếm được nhiều tiền hơn công việc nhặt chai, Thắng Lợi cũng đã nghĩ đến điều đó, nhưng cha anh lại không cho phép.
Bởi vì theo quan điểm của người cha, nhiệm vụ chính của con là học tập, ông cho rằng chi phí hàng tháng của mình chỉ có 150 tệ, vậy thì 200 tệ của con trai là quá đủ.
Cứ như vậy, trong suốt bốn năm đại học, Thắng Lợi dành toàn bộ thời gian để đi tìm và nhặt, anh ngày càng trở nên tự ti và sống nội tâm.
Vì theo học chuyên ngành kỹ thuật truyền thông, đòi hỏi thao tác thực tế trên điện thoại di động và máy tính, nhưng cha anh lại coi Internet là một tai họa và không cho phép anh truy cập Internet.
Kết quả là, Hàn Thắng Lợi mặc dù có kiến thức lý thuyết vững chắc nhưng lại gần như không có kỹ năng thực hành.
Điều này dẫn đến việc anh không tìm được việc làm tử tế cho đến khi tốt nghiệp.
Sau đó, sau nhiều lần va vấp, anh tìm được công việc làm dây cáp ngoài trời. Công việc vất vả chỉ được trả 600 nhân dân tệ (khoảng 1,8 triệu đồng) một tháng.
Người cha ngày nào cũng thở dài. Con gái ông không học hành, đi làm bảo mẫu ở Thâm Quyến với mức lương hơn 10 triệu một tháng. Tại sao con trai học hành đàng hoàng lại không kiếm được nhiều tiền như vậy?
Cuốn sách có tên "Người nghèo thiếu gì?" có viết: "Suy nghĩ của người nghèo cũng đáng sợ như những phản ứng nguyên tử. Nó sẽ gây ra những sai lệch về nhận thức ở trẻ em và ảnh hưởng đến vận may cũng như cuộc sống của chúng suốt đời".
Là người dẫn đường trên con đường trưởng thành của trẻ, cha mẹ có tư duy cố định và tầm nhìn hạn hẹp sẽ chỉ dùng những "điều đã biết" hạn hẹp của mình để khóa chặt những điều chưa biết vô hạn của con cái.
Là cha mẹ, hãy nỗ lực hết sức để hoàn thiện bản thân, phá bỏ những rào cản trong suy nghĩ và mở rộng tầm nhìn của mình để có thể hướng dẫn con cái tốt hơn.
Hãy là sợi dây leo giúp con trèo lên trong cuộc sống chứ không phải một chướng ngại vật.
04
Trong bộ phim tài liệu giáo dục gia đình có tên "Gương", có một câu nói như sau:
"Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một tờ giấy trắng, và cha mẹ chính là người họa sỹ. Tờ giấy trắng trở nên như nào, phần lớn phụ thuộc vào cha mẹ."
Nếu cha mẹ có tấm lòng khiêm nhường, lời nói và việc làm yêu thương, có tầm nhìn rộng thì dưới ảnh hưởng của cha mẹ, con cái có thể có quan điểm chính trực, đạo đức tốt và một cái tâm giàu có.
Có câu nói, trước khi nuôi dạy con cái, hãy giáo dục bản thân mình trước, trước khi giáo dục người khác, hãy giáo dục bản thân trước tiên.
Hãy trở thành người tốt hơn trước khi bạn có thể tạo ra những đứa trẻ tốt hơn.
Khi bạn thoát ra được tư duy nghèo, tương lai của con bạn mới có thể rực sáng hơn.