1.
Ngày còn bé, trong lòng mỗi chúng ta cha mẹ là cả bầu trời. Mẹ là người biết tất cả mọi điều trên thế giới, còn cha là người quyền lực nhất trên đời. Cha mẹ như hai ngọn núi bảo vệ sự bình an mãi mãi của con cái.
Nhưng không biết từ khi nào, ở trước mặt con cái, hai ngọn núi ấy không còn vĩ đại mà đã trở nên dè dặt, ít nói, có nhiều chuyện muốn hỏi nhưng không dám hỏi, có nhiều chuyện muốn nói nhưng không dám lớn tiếng nói nữa.
Ngày còn bé, khi các con không làm bài tập, cha mẹ liền lớn tiếng quát mắng, thúc giục. Nhưng bây giờ thì ngược lại. Khi cha mẹ cứ hỏi đi hỏi lại một chuyện nhỏ, con cái đều mất kiên nhẫn mà lên tiếng nạt nộ lại cha mẹ. Về sau, cha mẹ không còn hỏi chuyện con cái nữa, họ dần dần trở nên im lặng và dè chừng trước mặt những đứa con của mình.
Có một phân đoạn nổi tiếng trong bộ phim “Ngôi nhà hạnh phúc” đã lấy đi nước mắt của nhiều khán giả. Người con trai sau khi kết hôn liền muốn cắt đứt quan hệ với người nhà. Anh ta nói rằng: “Tất cả thành quả ngày hôm nay đều do một mình tôi cố gắng vất vả làm nên! Cái nhà này không giúp đỡ được gì cho tôi cả!”
Người con trai này là một bác sĩ. Vì thấy nhiều người dù có năng lực kém hơn mình nhưng nhờ có bố mẹ hậu thuẫn nên được thăng tiến nhanh chóng, trong khi cha anh ta chỉ là một người bán mì, không thể giúp đỡ gì cho con cái. Vì vậy, anh này luôn trách móc cha mình chỉ biết hỏi anh ta đói không mà không thể giúp gì cho sự nghiệp của anh này.
Sau khi nghe những lời trách móc của con trai, người cha thấy áy náy đến nỗi khóc không thành tiếng, cúi mái đầu bạc trắng xin lỗi vì đã để con trai tủi thân.
Thay vì mắng con trai bất hiếu, người cha lại cảm thấy áy náy vì sự bất lực của bản thân. Tình cảnh này thật khiến người khác xót xa.
2.
Con cái chỉ biết trách móc cha mẹ không thể cho mình điều kiện tốt như nhà “người ta”, nhưng đứa con đâu biết được rằng chỉ có một số ít cha mẹ mới có thể cho con cái ăn sung mặc sướng, còn đa số cha mẹ đều là những người bình thường, làm những công việc bình thường, họ đều đã cố gắng hết sức để cho con cái những điều kiện tốt nhất mà họ có.
Đương nhiên, cha mẹ cũng sẽ có lúc phạm sai lầm. Đôi khi cha mẹ quá nghiêm khắc, quá cổ hủ, quá bận rộn mà ít quan tâm đến con cái. Nhưng trên đời này có ai là người hoàn hảo?
Khi cha mẹ yêu thương con cái, con cái hiếu thảo là lẽ đương nhiên. Khi cha mẹ yêu thương con cái không đúng cách, con cái vẫn hiếu thảo, đó mới là đức tính chân chính của con cái. Đối xử tốt với cha mẹ chính là một bài học làm người mà ai cũng phải học.
Trong chương trình “Bạn gái của tôi”, nam diễn viên Cao Á Lân từng chia sẻ: “Cha mẹ là bức tường ngăn cách giữa chúng ta và tử thần.”
Khi cha mẹ còn sống, dù chúng ta 30 tuổi hay 60 tuổi vẫn sẽ cảm thấy mình vẫn cách rất xa lưỡi hái tử thần. Nhưng khi cha mẹ đi rồi, chúng ta đều sẽ cảm thấy bản thân thật sự chỉ có một mình.
Cha mẹ cho sinh ra và nuôi lớn ta nhưng lại không thể cùng ta đi đến cuối cuộc đời, đây là nỗi buồn lớn nhất của cuộc đời.
Đến một ngày, khi bạn gọi điện cho bố mẹ nhưng đầu dây bên kia không có ai trả lời. Chỉ khi đó, bạn mới cảm nhận được sự hạnh phúc khi ai đó cằn nhằn, ai đó trách móc bạn khi bạn làm sai.
Nếu bạn đã chờ đợi cả đêm trước phòng mổ cấp cứu của bệnh viện; nếu bạn đã dự lễ tang người thân, bạn bè; nếu bạn cảm nhận được sự mong manh của cuộc sống khi đối mặt với những bất trắc, bạn mới cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của cha mẹ và gia đình.
Dù hiện tại con cái có địa vị cao sang hay giàu có đến đâu cũng đừng bao giờ nóng nảy hay trách móc cha mẹ. Bởi bố mẹ "không có khả năng" có thể là vì họ đã cho bạn tất cả khả năng của mình rồi.
3.
Trong cuộc sống, chữ “hiếu” luôn được đặt lên hàng đầu. Để cha mẹ an lòng, hãy chú ý 4 điều này:
1. Hãy để cha mẹ thấy họ vẫn còn có ích
Quá trình lớn lên của con cái cũng là quá trình già đi của cha mẹ. Khi già đi, người ta không sợ cô đơn mà sợ bản thân trở nên vô dụng.
Vậy nên, thi thoảng hãy nhờ cha mẹ làm giúp mình một việc gì đó nhưng đừng để cha mẹ phải tốn tiền hay phải làm bảo mẫu cho trẻ mà hãy để cha mẹ cảm thấy bản thân thực sự vẫn còn giá trị. Hãy nhờ cha mẹ giải quyết những việc nho nhỏ mà vẫn ý nghĩa như nhờ cha mẹ nấu một món ăn ngon hay sắp xếp lại quần áo của em bé.
2. Cố gắng ở bên cha mẹ thật nhiều
Một cuộc khảo sát đã công bố, khi được hỏi chuyện cha mẹ lo lắng nhất mỗi dịp nghỉ lễ là gì, câu trả lời đầu tiên chính là cha mẹ sợ con cái không thể về ăn Tết. Còn khi được hỏi về câu trả lời mà cha mẹ sợ nghe nhất, câu trả lời đầu tiên chính là: “Con không về được”.
Hai câu hỏi nhưng câu trả lời đều chung một đáp án.
Đối với cha mẹ, món quà tuyệt vời nhất không phải tiền bạc, vật chất mà là chính là sự có mặt của con cái.
Vậy nên, hãy về nhà thăm cha mẹ bất cứ khi nào có thể và gọi điện thường xuyên để cha mẹ luôn cảm thấy vui vẻ.
3. Hãy sống thật tốt
Có một câu nói nổi tiếng: “Tình yêu lớn nhất với người thân chính là hãy sống tốt cuộc sống của mình và đừng gây rắc rối khiến người thân lo lắng.”
Trên thực tế, mọi quyết định của chúng ta đều khiến cha mẹ quan tâm. Vậy nên cách thể hiện tình yêu tốt nhất với cha mẹ là hãy sống thật tốt và đừng làm cha mẹ lo lắng vì mình.
4. Đừng nóng giận trước mặt cha mẹ
“Con biết rồi, đừng nói nữa.”
“Chuyện này mẹ đừng can thiệp vào.”
“Nói mãi rồi mà mẹ vẫn chưa hiểu, mẹ đừng hỏi nữa.”
Ở trước mặt cha mẹ, đừng nóng giận, đừng mất bình tĩnh, đừng đóng sập cửa rồi bỏ đi.
Khi ở cùng với cha mẹ, hãy vui vẻ, đừng nóng giận và đừng để cha mẹ trở nên dè chừng trước mặt chúng ta.
Vì vậy, xin đừng ghét cha mẹ dài dòng, đừng than rằng cha mẹ không hiểu gì, đừng trách cha mẹ chậm chạp… Bởi những gì tốt nhất cha mẹ đều đã cho con cái cả rồi.