Tại sao các nước Trung Đông và Bắc Phi 'xếp hàng' gia nhập BRICS?

Công Thuận |

Nhiều quốc gia Trung Đông và Bắc Phi (MENA) coi khoảng trống quyền lực do xung đột Nga - Ukraine tạo ra là cơ hội để phá vỡ các liên kết đồng minh truyền thống và trở thành những chủ thể chính thức trên trường toàn cầu.

Tại sao các nước Trung Đông và Bắc Phi xếp hàng gia nhập BRICS? - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi ngày 23/8/2023. Ảnh: Reuters

Theo nhận định của chuyên gia phân tích về Trung Đông và Bắc Phi Ishak Benhizia, vào ngày 1/1/2024, 6 trong số hơn 20 nước đăng kí gia nhập BRICS là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iran, Ethiopia, Ai Cập và Argentina dự kiến sẽ trở thành thành viên chính thức của BRICS, như thông báo của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại hội nghị thượng đỉnh của khối trên diễn ra vào tuần trước. Trong số các nước đăng kí tham gia BRICS, có nhiều nước đến từ MENA.

Ông Benhizia cho rằng BRICS ngày nay tuyên bố họ là lực lượng cân bằng trong quá trình chuyển đổi sang một trật tự kinh tế thế giới mới ngày càng đa phương - một trật tự có thể làm giảm sự thống trị của đồng đô la Mỹ trong thương mại toàn cầu.

Quan điểm này đặc biệt hấp dẫn đối với các nước đang phát triển và các quốc gia đang tìm kiếm quyền tự chủ chiến lược lớn hơn, thậm chí còn hấp dẫn hơn khi BRICS gần đây đã vượt qua G7 về tỷ trọng GDP toàn cầu và các cuộc thảo luận dành cho các quốc gia thành viên tiềm năng trong tương lai tiếp tục diễn ra.

Mặc dù các chế độ quân chủ vùng Vịnh liên kết với Mỹ và vẫn phụ thuộc nhiều vào sự đảm bảo an ninh của Washington, nhưng có một thực tế là họ đang tìm kiếm quyền tự chủ chiến lược lớn hơn từ Mỹ.

Một ví dụ cho quan điểm này là việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao gần đây giữa Saudi Arabia và Iran trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian, hay quyết định của Liên đoàn Arab khôi phục tư cách thành viên của Syria, chủ yếu nhờ vào sáng kiến do Saudi Arabia - UAE hậu thuẫn. Điều này xảy ra bất chấp việc các nhà lãnh đạo phương Tây từ chối hợp tác với Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Phá vỡ các liên minh truyền thống

Rõ ràng, các quốc gia vùng Vịnh ngày nay đang có xu hướng cam kết duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng trực tiếp, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc làm lung lay các liên minh truyền thống.

Giảm sự phụ thuộc của khu vực vào doanh thu từ dầu mỏ là một thách thức quan trọng khác, đặc biệt đối với Saudi Arabia. Nhiều dự án lớn đã xuất hiện ở Saudi Arabia như một phần trong kế hoạch chuyển đổi kinh tế đầy tham vọng nhằm tăng cường đa dạng hóa và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng cần lưu ý rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có lập trường ít thiện chí hơn đối với Saudi Arabia thời gian gần đây. Tổng thống Biden đã kêu gọi xem xét lại mối quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ sau khi Vương quốc này và OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng dầu vào tháng 10/2022, khiến giá năng lượng sau đó tăng vọt ở châu Âu.

Do đó, Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đều hy vọng tận dụng khoảng trống quyền lực do xung đột Nga - Ukraine tạo ra, để phá vỡ trật tự với các đồng minh lịch sử và mở rộng quan hệ với các đối tác khác trong bối cảnh trật tự toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.

Với Macroc, nước cũng đã quan tâm đến việc gia nhập BRICS, động lực chuyển dịch trật tự toàn cầu cũng ảnh hưởng đến nước này khi cố gắng duy trì mối quan hệ với châu Âu và Mỹ, đồng thời tham gia quan hệ đối tác thương mại chiến lược với các nước như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.

Về phần mình, vào tháng 8/2022, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS. Lời đề nghị trở thành thành viên của Algeria đã được Nga và Trung Quốc chính thức xác nhận.

Algeria coi BRICS là sự tái sinh của phong trào không liên kết và Tổng thống Algeria cho rằng việc gia nhập khối này sẽ khiến Algeria, quốc gia được coi là "tiên phong của phong trào không liên kết", tránh khỏi "sức hút từ hai cực". Algeria đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS vào tháng trước.

Tóm lại, chuyên gia Benhizia kết luận, không giống như nỗ lực của chế độ quân chủ vùng Vịnh, đề nghị trở thành thành viên của Algeria mang tính chính trị hơn là kinh tế. Với bối cảnh quốc tế đã phát triển đáng kể và khái niệm "thế giới thứ ba" nhường chỗ cho khái niệm "Nam bán cầu", Algeria coi nhóm các cường quốc mới nổi là sự tái sinh của phong trào không liên kết, mà nước này từng là tiên phong trong thời kỳ hoàng kim của phong trào đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại