Liên quan đến vụ tai nạn liên hoàn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, chiều 18/2, Đại tá Nguyễn Đình Thừa - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận, đơn vị đã chỉ đạo Công an huyện Phong Điền khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với lái xe con BKS: 36A-485.67 do điều khiển phương tiện vượt ẩu gây tai nạn làm 3 người chết.
Quan sát vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường-Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, theo quy định của luật giao thông đường bộ thì "Vượt xe" di chuyển cùng chiều phía trước là tình huống giao thông mà xe đi sau vượt xe đi trước; khi vượt, các xe phải vượt về bên trái (trừ các trường hợp được quy định trong Luật Giao thông đường bộ).
Xe đi với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải, khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về phần đường bên phải của phần xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
“Chỉ khi nào đảm bảo an toàn thì xe đi sau mới được vượt xe phía trước. Trong đó điều kiện để đảm bảo an toàn là phải đảm bảo tầm nhìn, có khả năng quan sát của người vượt xe. Tầm nhìn vượt xe an toàn là khoảng cách đo dọc theo mặt đường tính từ mũi xe để một chiếc xe đang chạy trên đường 2 làn xe hai chiều có thể vượt qua một chiếc xe khác chạy chậm hơn cùng chiều bằng cách chiếm dụng làn xe chạy phía chiều ngược lại và quay trở về làn cũ của mình một cách an toàn”- luật sư Cường phân tích.
Các trường hợp không được vượt xe
Luật sư Cường cũng cho hay, Luật giao thông đường bộ quy định quy tắc an toàn khi vượt xe như sau: Về nguyên tắc, khi vượt xe, các xe phải vượt về bên trái (chỉ một số trường hợp mới được vượt về bên phải) và phải đảm bảo các điều kiện: Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22h đến 5h chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn; Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.
Khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.
Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường; Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp sau đây: Không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ; Trên cầu hẹp có một làn xe; Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế; Nơi đường giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; Khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn cho việc vượt; Xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Như vậy, theo luật sư Cường, có thể thấy, rằng chiếc xe ô tô con đã vi phạm luật giao thông đường bộ khi vượt xe từ bên phải và ở đoạn đường giao nhau chỉ có một làn xe. Đoạn đường này không được phép vượt xe và cũng không có tín hiệu xin vượt, tại thời điểm vượt xe thì có xe đi ngược chiều. Đây là tình huống rất nguy hiểm mà những lái xe chuyên nghiệp rất ít khi mắc lỗi trong những tình huống như vậy. Nếu vượt xe ở đoạn đường giao nhau, đoạn đường hẹp chỉ có một làm xe và đang có xe ngược chiều phía trước như tình huống này thì tai nạn xảy ra là không tránh khỏi.
Trong vụ việc này, cơ quan điều tra xác định người điều khiển chiếc xe ô tô con màu trắng có lỗi gây ra vụ tai nạn giao thông trên và đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người đàn ông này về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông được bộ theo điều 260 bộ luật hình sự năm 2015.
"Trường hợp hai người tử vong thì người gây tai nạn có lỗi sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 3 đến 10 năm. Còn trường hợp 3 người tử vong trở lên hoặc thiệt hại đến tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên, người gây tai nạn sẽ chịu mức án 7 năm đến 15 năm tù"- luật sư Cường nói.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của các phương tiện khác
Trong vụ việc này, theo ông Cường, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi của người điều khiển xe ô tô đầu kéo và người điều khiển xe ô tô tải để xem xét hai người điều khiển phương tiện này có lỗi gì không, có phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không.
“Theo nội dung camera hành trình của xe ô tô đầu kéo thì người này đi đúng phần đường của mình và đoạn tai nạn là đoạn hẹp và hạn chế tốc độ. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ người điều khiển xe đầu kéo có tuân thủ về tốc độ hay không. Nếu trường hợp tuân thủ về tốc độ thì người này không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm pháp lý, (không bị xử lý hình sự, đồng thời cũng không phải bồi thường thiệt hại đối với vụ tai nạn này), ngược lại chủ xe đầu kéo còn có quyền yêu cầu người nào có lỗi trong vụ tai nạn này phải bồi thường thiệt hại do chiếc xe đầu kéo bị hư hỏng”- luật sư Cường phân tích.
Do vậy, trong vụ việc này, luật sư Cường cho hay, với nội dung thể hiện qua clip thì khó có thể bắt lỗi đối với người điều khiển xe đầu kéo, rất có thể người này sẽ vô can đối với vụ tai nạn bởi họ đã đi đúng tốc độ, đúng phần đường và nguyên nhân vụ tai nạn là do xe ô tô con vượt ẩu.
Tình huống tai nạn này có thể được xác định là sự kiện bất ngờ đối với người điều khiển xe đầu kéo. Tuy nhiên, người này cũng sẽ gặp rắc rối bởi chiếc xe này sẽ bị tạm giữ để tiến hành xác minh điều tra, sẽ bị triệu tập tham gia vụ án hình sự với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, sẽ mất thời gian để làm việc với cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ án này. Đó thực sự là điều không may đối với các tài xế khi tham gia giao thông mà liên quan đến các vụ tai nạn.
Đối với người điều khiển xe ô tô tải đi ngược chiều đâm vào xe ô tô con cũng có thể người này không có lỗi bởi đây là sự kiện bất ngờ nếu trường hợp người điều khiển xe ô tô tải đi đúng tốc độ và có chú ý quan sát.
“Nội dung thể hiện qua clip cho thấy sự việc diễn ra rất nhanh, chiếc xe ô tô con và chạm với xe đầu kéo và bị văng về phía trước, đúng lúc đó thì xe ô tô tải đi ở chiều ngược lại đi tới và đâm va vào dẫn đến tai nạn liên hoàn. Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng xác định người điều khiển xe ô tô tải này đi đúng tốc độ, đúng làn đường và có chủ ý quan sát, sự việc diễn ra là bất ngờ thì người này sẽ vô can, không phải bồi thường thiệt hại và không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hậu quả của vụ tai nạn. Thậm chí người này được xác định là người bị hại, có quyền yêu cầu người gây ra tai nạn có lỗi phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe và tài sản do vụ tai nạn gây ra”- luật sư Cường nói.
Trước đó, khoảng 10h ngày 18/2, ông Phan Đình Kiều (SN 1969, trú TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) lái ô tô BKS: 36A- 485.67 chạy trên cao tốc Cam lộ - La Sơn, hướng Đà Nẵng - Quảng Trị. Trên xe chở gia đình anh Phan Đình Q. (SN 1978), vợ anh Q. là chị Lê Thị H. (SN 1983) cùng 2 con là K.V. (SN 2009) và Đ.Q. (SN 2015), cùng trú phố Tân Cộng (phường Đông Tân, TP Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa).
Khi đến km 48+200m cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua huyện Phong Điền, ô tô con vượt lên từ phía bên phải, va chạm với xe đầu kéo BKS: 63C- 136.59 kéo theo rơ moóc BKS: 63R-00227 do anh Huỳnh Văn Dũng (SN 1974, trú xã Long An, Châu Thành, Tiền Giang) đang đi cùng chiều phía trước, cùng làn đường.
Sau va chạm, ô tô BKS: 36A-485.67 lao sang phần đường ngược chiều hướng Quảng Trị - Đà Nẵng, đâm vào xe tải BKS: 63H-005.68 do anh Lâm Văn Tâm (SN 1982, trú phường Vĩnh Mỹ, Châu Đốc, An Giang) cầm lái, đang đi trên phần đường ngược chiều hướng Quảng Trị - Đà Nẵng.
Sau đó ô tô BKS: 36A-485.67 tiếp tục lao xuống vực bên phải phần đường một chiều hướng Quảng Trị - Đà Nẵng. Cùng lúc đó, ô tô BKS: 63H-005.68 bị xe đầu kéo BKS: 51D- 150.90 kéo theo rơ moóc BKS: 51R-349.20 do anh Nguyễn Tấn Đạt (SN 1980, trú phường Phổ Minh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) đang đi cùng chiều, phía sau, cùng làn đường hướng Quảng Trị - Đà Nẵng tông vào.
Vụ tai nạn khiến cháu Đ.Q. chết tại chỗ, cháu K.V. được đưa đi cấp cấp tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 nhưng không qua khỏi; chị Lê Thị H. cũng tử vong vào chiều cùng ngày sau nhiều tiếng được cấp cứu tích cực. Những người còn lại bị xây xát nhẹ.
Theo báo cáo của Cục CSGT (Bộ Công an), nguyên nhân ban đầu xác định do ô tô con BKS: 36A-485.67 vượt bên phải rồi tạt sang trái, va đầu xe container nên gây ra tai nạn.
"Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông được bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”