Tài liệu Panama sẽ cản đường vào Nhà Trắng của Hillary Clinton?

Thi Anh |

Đối với nhiều người Mỹ, Hillary Clinton là hiện thân của tầng lớp giàu có, hưởng lợi từ hoạt động tránh thuế, trong khi Bernie Sanders thì không.

Tránh thuế hợp pháp

Chuyện người giàu đem tiền tới “gửi” ở các vùng ưu đãi thuế (tax haven) là chuyện chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng lượng tài liệu khổng lồ bị lộ từ hãng luật Panama Mossack Fonseca mới đây đã gây bão dư luận và khiến các cuộc tranh luận về luật thuế nóng trở lại.

Những vùng ưu đãi thuế như Quần đảo Virgin, Panama, Jersey đang “sống” nhờ các khoản phí thường niên từ dịch vụ thành lập các công ty đặt tại nước ngoài.

Trong khi đó, Mỹ, Canada, EU và thậm chí cả các nước đang phát triển đành để mất hàng trăm tỉ USD mỗi năm do các cơ chế tránh thuế hợp pháp.

Tờ Guardian thống kê: chỉ với hình thức tránh thuế nhờ các công ty đa quốc gia, châu Phi mất tới 6 tỉ usd. Số tiền này cao gấp 3 lần số tiền cần có để nâng cao hệ thống chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ các nước chịu ảnh hưởng của dịch Ebola.

“Thành phần ưu tú toàn cầu”

Có lẽ Tài liệu Panama chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nhưng nếu những bí mật tài chính của các lãnh đạo thế giới được vạch trần thì câu chuyện chính trị sẽ khác.

Cuộc bỏ phiếu bầu ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ tại Mỹ đã cho thấy mối bất mãn ngày càng gia tăng đối với những thành phần giàu có trong xã hội. Tài liệu Panama chỉ “thêm dầu vào lửa”, khiến dư luận thêm căm phẫn trước sự bất công.

Mặc dù tính đến thời điểm này, chưa có nhiều nhân vật của Mỹ dính líu tới Tài liệu Panama nhưng tất cả các ứng viên Tổng thống đều sẽ bị chất vấn về vụ bê bối này. Và không ai phải chịu áp lực lớn hơn bà Hillary Clinton.

Đối với nhiều người Mỹ, bà chính là hiện thân của “thành phần ưu tú toàn cầu”, trong khi Bernie Sanders thì ngược lại.

Vụ lộ mật đã cho thấy một thực trạng. Đó là chính phủ trên khắp thế giới đang cố tình lờ đi hành động tránh thuế của giới giàu có.

Toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho những người giàu có nhất xã hội hưởng lợi nhờ khai thác cơ chế thuế trong khi dân thường lao động lại phải trả từng đồng. Chuyện này đã tiếp diễn suốt nhiều thập kỷ.

Mặc dù Clinton không liên quan tới bất cứ hành động phi pháp nào, nhưng vì bà nằm trong thành phần “có tiền, có quyền” nên bà được lợi từ cơ chế tránh thuế ấy.

Hơn nữa, còn có thông tin cho rằng bà Clinton đã thúc đẩy Thỏa thuận Thương mại Tự do Panama trong khi ông Sander phản đối.

Theo Ibtimes, nhiều nhà phân tích đã cảnh báo: thỏa thuận này sẽ khiến chính phủ Mỹ gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực kiểm soát tình trạng rửa tiền và trốn thuế.

Bê bối Panama sẽ còn kéo dài và điều này có lẽ sẽ khiến các cử tri vẫn lưỡng lự ngả về phía Sanders trong các cuộc bỏ phiếu sống còn sắp tới, trong đó có New York.

Thậm chí nếu bà Clinton không đề cập tới “quả bom thuế” trong tương lai thì ông Sanders vẫn có thể tiếp tục khai thác việc bà Clinton đã hỗ trợ việc lạm dụng hệ thống thông qua các thỏa thuận thương mại.

Bà Hillary tiếp tục mô tả chính sách của đối thủ là “viển vông” nhưng các tập đoàn đang đóng thuế một cách công bằng có lẽ sẽ tặng cho Sanders những tấm phiếu bầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại