Trang Đa Chiều (Mỹ) cho hay, "Tài liệu Panama" hé lộ hãng luật Mossack Fonseca, có trụ sở tại Panama, giúp nhiều người thân của nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc, bao gồm các lãnh đạo đương nhiệm và cựu lãnh đạo, chuyển tiền ra nước ngoài và trốn thuế.
Danh tính "ông trùm" chủ quản các chi nhánh văn phòng của công ty luật này ở châu Á là Trương Hiểu Đông, tên tiếng Anh Austin Cheung.
Trương Hiểu Đông diễn giảng về doanh nghiệp xuất nhập khẩu Trung Quốc tại Bắc Kinh năm 2011. Ảnh: Sina
"Người vận chuyển" Trương Hiểu Đông
Trương Hiểu Đông sinh ra ở Trung Quốc đại lục, làm ở trụ sở chính của Mossack Fonseca tại Panama một vài năm trước khi chuyển về Hồng Kông vào năm 1997.
Đến năm 2002, Trương chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Mossack Fonseca chi nhánh Hồng Kông khi chi nhánh này trở thành cơ quan đầu não của Mossack Fonseca tại châu Á.
Trước đó, khi chi nhánh Mossack Fonseca Hồng Kông được thành lập vào năm 1995, Trương đã xuất hiện lần đầu trong danh sách thành viên HĐQT.
Theo thông tin trên trang điện tử của Mossack Fonseca, nhiệm vụ của Trương Hiểu Đông chính là mở rộng thị trường khách hàng tại nội địa Trung Quốc.
Theo BBC (Anh), 1/3 khách hàng của Mossack Fonseca mở công ty ở nước ngoài để tránh thuế là người Trung Quốc đại lục.
Trong đó, đa số khách hàng đều thực hiện tiến hành giao dịch thông qua chi nhánh của công ty này ở Hồng Kông.
Ông này được biết đến với nhiều chức danh khác nhau như: Chủ tịch hội đồng quản trị của văn phòng Mossack Fonseca tại xứ Cảng Thơm, Hội trưởng Hiệp hội quy hoạch và quản lý tài sản Trung Quốc v.v...
Trương là học giả người Hoa đầu tiên nghiên cứu về lĩnh vực pháp luật quỹ cá nhân trên thế giới.
Tại Trung Quốc, Trương Hiểu Đông cũng được biết đến như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Tháng 3/2016, ông này đã tổ chức một triển lãm ảnh ở một trường đại học ở Tây An, Trung Quốc.
Chi nhánh văn phòng Công ty Luật Mossack Fonseca ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/VCG
Vụ bê bối Tài liệu Panama
Theo Đa chiều, năm 2009, Trương Hiểu Đông từng nói: "Cổ phiếu của các khách hàng Trung Quốc có thể lên sàn tại các địa điểm như: quần đảo Cayman, khu vực tam giác Bermuda, Seychelles và Mauritius".
Năm 2007, trả lời phỏng vấn của China Economic Weekly, Trương bình luận: "Một số nước có cái nhìn thiếu thiện cảm về năng lực kinh tế mới của Trung Quốc. Những mạo hiểm tương tự như vậy đều có thể thông qua các công ty ở nước ngoài để giải quyết".
"Một số ngân hàng, công ty luật, công ty kiểm toán, công ty tín thác, đầu tư, thương mại và xuất nhập khẩu là khách hàng chủ yếu của Mossack Fonseca," Trương Hiểu Đông nhấn mạnh.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Cuối tuần (Sunday Morning Post), Trương Hiểu Đông luôn từ chối thảo luận về thông tin liên quan đến Tài liệu Panama.
Đồng thời, hiện nay tung tích Trương khó xác định bởi ông ta đang đăng ký tạm trú tại Auckland, New Zealand nhưng tài khoản mạng xã hội Wechat hiển thị tại phía Nam Hồng Kông.
Theo hồ sơ trên LinkedIn, Trương Hiểu Đông tốt nghiệp học vị Tiến sĩ ngành Tư pháp quốc tế tại Đại học Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc sau 9 năm từ năm 2004.
Tờ Bưu diện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời Tiến sĩ luật thuộc Đại học Trung văn, Hồng Kông, Hứa Viêm cho hay, ông Trương học tiến sĩ trong thời gian dài như vậy là "vô cùng bất bình thường". Ở Trung Quốc, thời gian khóa học tiến sĩ chỉ là 3 năm.
Năm 2006, Trương đã thành lập Hiệp hội Nghiên cứu quy hoạch và quản lý tài sản Trung Quốc. Đặc biệt hơn, hiện tại website điện tử của hiệp hội này đã tạm ngừng hoạt động.
Hiệp hội ngày ngoài Trương Hiểu Đông còn có hai thành viên người Hồng Kông, Trung Quốc khác là học giả nghiên cứu thuế vụ, Đại học Hồng Kông, Hà Cẩm Tuyền và kế toán viên Sái Quốc Vĩ.
Sái đã từ chối bình luận trước báo giới về trường hợp của Trương Hiểu Đông nhưng lại tiết lộ: "Trương Hiểu Đông rất thích chụp ảnh. Tháng 6 năm ngoái, Trương đã thành lập Nhà xuất bản nhiếp ảnh Trung Quốc.
Album ảnh trên Weibo của Trương có cả ảnh chụp Panama với tựa đề 'Heaven, an alias for Panama' (Thiên đường, biệt danh của Panama, tạm dịch)".
Thời báo Hoàn Cầu phản bác những cáo buộc của phương Tây về danh tính những nhà lãnh đạo Trung Quốc xuất hiện trong "Tài liệu Panama". Ảnh: Sinovision
Trước đó, Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) hôm 5/4 có bài xã luận phản bác những thông tin liên quan đến người thân và các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong Tài liệu Panama.
Tờ báo này cáo buộc truyền thông phương Tây, chủ yếu do Mỹ hậu thuẫn, sử dụng vụ bê bối Tài liệu Panama để tấn công các mục tiêu chính trị tại các quốc gia không thuộc phương Tây.
"Truyền thông phương Tây thường kiểm soát thông tin mỗi lần xảy ra những vụ việc rò rỉ tài liệu mật và chính Washington đã gây ảnh hưởng đến việc đăng tải thông tin.
Những thông tin tiêu cực đối với Mỹ luôn được giảm tải trong khi lại những thông tin tiêu cựu liên quan đến các nhà lãnh đạo ở phe đối lập như Tổng thống Nga Vladimir Putin lại được thêm thắt”, Hoàn Cầu nhấn mạnh.