Có một câu chuyện được lưu truyền rộng rãi: Người đàn ông nọ bị một con rắn độc tấn công khi đang đi trong rừng. Việc đầu tiên anh ta làm không phải là xử lý vết thương, ngăn nọc độc lan rộng mà là đập đánh con rắn. Cuối cùng, con rắn cũng chạy mất, còn người đàn ông gục ngã do trúng nọc độc. Đây chính là "luật đuổi rắn" nổi tiếng trong tâm lý học.
Nếu gặp vấn đề, việc bạn chỉ thể hiện cảm xúc sẽ tiếp tục vướng mắc trong mớ hỗn loạn, cuối cùng bỏ lỡ thời điểm tốt nhất để giải quyết. Như vậy, sớm muộn gì bạn cũng chuốc lấy tổn thương, để lại hậu quả.
Trong thực tế cũng vậy, nhiều bậc cha mẹ thường rơi vào logic tư duy: Khi thấy thành tích học tập của con sa sút liền tức giận quát mắng. Những bậc cha mẹ buộc tội con mình đã quên rằng trong giai đoạn trưởng thành cần có những lỗi sai, có những thất bại. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Và việc cha mẹ cần làm ngừng đổ lỗi, trách móc mà hãy tận dụng đúng thời điểm để hỗ trợ con.
Với "luật đuổi rắn", bạn sẽ hiểu rằng, những đứa trẻ lớn lên không thành đạt có liên quan nhiều đến 3 hành vi dưới đây của cha mẹ.
Cha mẹ mất kiểm soát cảm xúc không thể nuôi dạy con có tính cách ổn định
Một video kể về việc 2 cha con có quan điểm khác nhau về kế hoạch cuộc đời. Họ tranh luận dẫn đến căng thẳng. Người cha cau mày nhìn con: "Dù sao con cũng chẳng phải là học sinh xuất sắc, kinh nghiệm cuộc đời cũng chẳng có".
Cậu con trai nghe vậy liền cố gắng giải thích nhưng lời chưa được nói ra đã bị cha ngắt lại, tiếp tục khiển trách: "Đừng như vậy, như thế không tốt". Nhìn cha, người con chỉ biết cười bất lực nhưng vẫn cố gắng giao tiếp: "Con có thể bày tỏ ý kiến không? Con không muốn cha sắp xếp cuộc sống của con".
Nhưng người cha vẫn cau mày trách móc: "Con thật phiền phức, cha không muốn nghe". Đến lúc này, người con cáu kỉnh, hét toáng lên với sự bất bình.
Theo nghiên cứu tâm lý, trong môi trường ngôn ngữ căng thẳng sẽ rất có hại, tác động xấu đến sự phát triển vỏ não trước trán của trẻ. Từ đó dẫn đến chức năng tự điều chỉnh của trẻ kém phát triển, cuối cùng gây hại cho khả năng đối phó với căng thẳng khi trẻ lớn lên.
Khi bạn buộc tội con là người nóng nảy, bạn có nghĩ đây là cách mà bạn thường xuyên giao tiếp với con. Hay khi bạn phàn nàn rằng con không tươi tắn, tại sao bạn không suy ngẫm xem liệu bạn có thường truyền năng lượng tích cực cho con hay không?
Trên con đường giáo dục, những vấn đề của con cái thường phản ánh những vấn đề của chính cha mẹ. Những cảm xúc mà cha mẹ sử dụng để giải quyết vấn đề sẽ quyết định thái độ của con họ đối với tương lai. Tâm lý của cha mẹ quyết định tính cách mà họ sẽ trau dồi ở con sau này. Năng lượng tích cực và cảm xúc ổn định là một phần không thể thiếu trong giáo dục gia đình.
Một nền giáo dục tốt bắt đầu từ việc cha mẹ thay đổi cảm xúc của chính mình, để con cái từng bước nhận được sự ấm áp, từ đó trở thành một người hiền lành và vui vẻ. Cha mẹ tích cực và lạc quan có thể nuôi dạy con cái yêu đời, cha mẹ ân cần cuối cùng sẽ nuôi dạy được những đứa con biết điều.
Hãy nhớ rằng: mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một tờ giấy trắng, những gì bạn viết lên đó cuối cùng sẽ là những gì bạn nhận được.
Cha mẹ hay nóng giận khiến trẻ mất tự tin, nhụt ý chí, ngại thử thách
Giáo sư Lý Mai Cẩn (Trung Quốc) từng phát biểu: "Hành vi và tâm lý của một đứa trẻ sẽ phản ánh những trải nghiệm trong quá khứ và có liên quan mật thiết đến cách nuôi dạy con cái".
Môi trường mà một đứa trẻ lớn lên sẽ quyết định phần lớn con đường trẻ đi trong tương lai. Cách hòa hợp và giải quyết vấn đề của gia đình thường ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ. Thất bại lớn nhất của cha mẹ là lo lắng những chuyện vụn vặt mà không coi trọng vấn đề then chốt làm thay đổi quỹ đạo cuộc đời.
Nhiều đứa trẻ không nhận được sự động viên, an ủi từ cha mẹ khi mắc lỗi sai mà thay vào đó là sự lăng mạ. Theo thời gian, khi gặp khó khăn, trẻ sẽ né tránh, không dám tâm sự vì lo sợ. Cuối cùng, việc nhỏ sẽ biến thành chuyện lớn, có thể hủy hoại cuộc đời của trẻ.
Chỉ những gia đình có bầu không khí vui vẻ, ấm áp mới có thể tạo nên sự tự tin, dũng cảm để con tiến về phía trước. Muốn nuôi dạy con cái lớn lên có tương lai, thay vì cho vàng bạc, hãy cho con ý chí vững vàng, dám đối mặt với mọi thử thách.
Nếu cha mẹ không từ bỏ thói quen xấu sẽ không thể dạy trẻ tính kỷ luật
Đứa trẻ như một cây non, môi trường gia đình chính là nguồn nước tưới để trẻ phát triển. Nếu chất lượng nước quá kém, cây con không những không thể phát triển mà còn có khả năng tàn lụi vĩnh viễn. Ngược lại, nếu cung cấp đủ nước, cây sẽ xum xuê, cho ra nhiều trái thơm.
Trong giáo dục gia đình cũng vậy. Nếu bản thân cha mẹ không rèn luyện những thói quen tốt sẽ không bao giờ nuôi dạy thành công những đứa trẻ. Cha mẹ chính là tấm gương soi chiếu của con cái. Cách cha mẹ cư xử hàng ngày chính là khuôn mẫu cho con. Cha mẹ muốn dạy dỗ đứa trẻ có tính tự giác thì trước tiên cần thay đổi hành vi, thói quen của mình.
Chẳng hạn nếu cha mẹ chỉ chơi điện thoại di động và xem ti vi khi rảnh rỗi, đừng phàn nàn vì sao con không thích đọc sách và lười biếng. Nếu nhà cửa bừa bộn, cha mẹ đừng trách con không sạch sẽ, biết làm việc nhà.
Còn khi cha mẹ yêu thích đọc sách và biết hoàn thiện bản thân sẽ tự nuôi dưỡng nên đứa trẻ giàu kiến thức, không ngừng học hỏi. Hay cha mẹ tập thể dục thường xuyên sẽ tạo nên đứa trẻ có thể lực tốt, chăm chỉ rèn luyện sức khỏe. Cha mẹ siêng năng và nghiêm túc với bản thân sẽ giáo dục nên đứa trẻ tự giác, có quyết tâm, có mục tiêu trong cuộc sống. Những thói quen tốt chính là yếu tố then chốt cho tương lai của trẻ.
Chuyên gia Giáo dục Laura Markham cho biết: "Những quy tắc nuôi dạy con cái quan trọng nhất là tập trung vào bản thân các bậc phụ huynh. Trước tiên, cha mẹ phải giải quyết được vấn đề của chính mình trước khi thiết lập mối quan hệ cha mẹ và con cái lý tưởng".
Cách giáo dục tốt nhất cho trẻ thực ra rất đơn giản, chỉ bằng lời nói và việc làm thiết thực. Trong một gia đình, nếu quy tắc được thiết lập, cha mẹ làm gương, nghiêm chỉnh trong nói và làm sẽ trở thành tấm gương tốt cho con. Giáo dục là một hoạt động bao gồm việc giúp đỡ người khác và chính mình.